Bị thổi bay hơn 2.100 tỷ đồng trong một ngày, tài sản tỷ phú Trần Đình Long còn bao nhiêu?

Trong ngày thị trường chứng khoán Việt Nam giảm mạnh, khối tài sản của tỷ phú Trần Đình Long cũng bị thổi bay hơn 2.100 tỷ đồng.

Thị trường chứng khoán Việt Nam phiên giao dịch ngày 3/10 diễn biến tiêu cực khi áp lực bán tháo cuối phiên khiến chỉ số VN-Index ghi nhận mức giảm hơn 37 điểm và chốt ngày ở 1.118 điểm. Như vậy, VN-Index đang ở vùng thấp nhất kể từ ngày 20/6, tức hơn 3 tháng qua. Toàn sàn HoSE có 481 cổ phiếu giảm, nhiều hơn 13 lần so với lượng cổ phiếu tăng và chiếm hơn 87% tổng số mã trên sàn này. 

Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index cũng giảm 10,04 điểm để đóng cửa ở mức 226,68 điểm, chỉ số Upcom-Index giảm 2,01 điểm để đóng cửa ở mức giá 86,68 điểm.

Trong ngày thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc hơn 37 điểm, mã cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát cũng ghi nhận mức giảm 5,34% với hơn 40,6 triệu cổ phiếu được các nhà đầu tư sang tay, đây cũng là phiên giảm thứ 3 liên tiếp của mã cổ phiếu này. Thanh khoản của HPG đứng thứ 3 sàn HoSE trong phiên giao dịch ngày 3/10 sau hai mã cổ phiếu ngành chứng khoán là SSI và VND.

Với đà giảm sâu của cổ phiếu HPG trong phiên giao dịch ngày 3/10, khối tài sản của tỷ phú Trần Đình Long – Chủ tịch HPG bị “thổi bay” hơn 2.122 tỷ đồng khi tỷ phú 62 tuổi đang trực tiếp nắm giữ hơn 1,516 tỷ cổ phiếu của HPG. Tương tự, khối tài sản của bà Vũ Thị Hiền – vợ tỷ phú Trần Đình Long cũng bị giảm hơn 597 tỷ đồng cùng đà giảm của cổ phiếu HPG.

Khối tài sản của tỷ phú Trần Đình Long giảm hơn 2.100 tỷ đồng trong phiên giao dịch 3/10 cùng đà giảm của cổ phiếu HPG

Tính theo giá thị trường kết thúc phiên giao dịch, khối tài sản của tỷ phú Trần Đình Long trên sàn chứng khoán còn hơn 37.604 tỷ đồng. Trong khi đó, khối tài sản của bà Hiền đang trực tiếp nắm giữ có giá trị hơn 10.578 tỷ đồng.

Sau phiên lao dốc của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhận định về xu hướng phiên giao dịch ngày 4/10, chuyên gia của chứng khoán Vietcap dự báo VN-Index sẽ tiếp tục quán tính giảm để kiểm định hỗ trợ của đường MA200 tại 1.100-1.105 điểm. Chúng tôi kỳ vọng hỗ trợ quan trọng này sẽ thúc đẩy lực mua gia tăng từ vùng giá thấp để đối trọng với lực bán ra. Nếu thế cân bằng được thiết lập, VN-Index có khả năng sẽ hồi phục về cuối ngày hoặc ở phiên sau đó với ngưỡng kháng cự hiện nằm tại 1.135-1.140 điểm. Ở kịch bản xấu nếu VN-Index tiếp tục rơi mạnh xuống dưới mốc 1.100 điểm, chỉ số sẽ phát tín hiệu bước vào thị trường giá xuống (Bear Market).

Tương tự chuyên gia của CTCK Yuanta Việt Nam (Yuanta) cũng dự báo thị trường có thể sẽ tiếp tục giảm trong phiên 4/10 và chỉ số VN-Index có thể sớm thu hẹp đà giảm về cuối phiên quanh mức 1.118 điểm. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao, nhưng các chỉ báo kỹ thuật giảm sâu vào vùng quá bán, nhiều cổ phiếu đã giảm về lại mức thấp nhất trong phiên 27/09/2023 cho nên áp lực bán có thể sẽ còn gia tăng trong đầu phiên giao dịch.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức giảm. Do đó, Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư có thể dừng bán và nếu thị trường hồi phục nhẹ trong phiên 04/10 thì các nhà đầu tư có thể xem xét mua thăm dò với tỷ trọng thấp. Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro thấp thì vẫn nên đứng ngoài thị trường.

Chuyên gia của CTCK Asean (Aseansc) nhận định xu hướng giảm của thị trường chung đang trở nên rõ rệt hơn trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hồi phục chậm. Aseansc cho rằng nhiều khả năng VN-Index sẽ duy trì quán tính giảm điểm trong đầu phiên giao dịch 04/10, tuy nhiên những tín hiệu hồi phục sẽ dần xuất hiện khi chỉ số tiệm cận ngưỡng 1.100 điểm.

Nhà đầu tư cẩn trọng quan sát thị trường, không nên bán tháo cổ phiếu bằng mọi giá, giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp (20-40%) khi rủi ro ngắn hạn gia tăng và giữ danh mục tập trung vào các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt.

Chuyên gia của CTCK Rồng Việt (VDSC) nhận định có khả năng quán tính giảm giá vẫn còn trong phiên giao dịch 4/10 và kiểm tra vùng MA(200), vùng 1.105 điểm. Dự kiến dòng tiền hỗ trợ sẽ có động thái tăng tại vùng hỗ trợ này và giúp thị trường hồi phục kỹ thuật để kiểm tra lại nguồn cung.

Nhà đầu tư cần quan sát động thái của dòng tiền tại vùng hỗ trợ, có thể cân nhắc mua ngắn hạn tại một số cổ phiếu có cơ bản tốt đã lùi về nền hỗ trợ trước đó. Tuy nhiên vẫn cần cân nhắc khả năng hồi phục của thị trường để cơ cấu lại danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro.

Hoàng Anh

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN