Những ngôi làng san sát nhau nhưng hàng trăm năm nay trai gái không yêu đương, lấy nhau
Xuất phát từ tục “kết chạ”
Thôn Đông Lâm và thôn Nga Trại; thôn Phúc Linh và thôn Hương Câu cùng nằm trên địa bàn xã Hương Lâm (huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang). 4 thôn này nằm san sát nhau, chỉ cách nhau từ vài mét đến vài trăm mét. Thế nhưng, từ hàng trăm năm nay, trai gái của 2 cặp làng này tuyệt nhiên không có chuyện yêu đương hay cưới nhau làm vợ chồng.
Theo ông Đồng Văn Tiến – Phó Chủ tịch UBND xã Hương Lâm, sở dĩ trai gái ở 2 cặp làng Đông Lâm – Nga Trại, Phúc Linh – Hương Câu không yêu đương, cưới xin là do tục “kết chạ” (hay còn gọi là kết nghĩa anh em) giữa 2 làng với nhau.
Trong cuốn lịch sử đảng bộ của xã Hương Lâm có ghi, thôn Đông Lâm xưa kia cư dân thưa thớt, rừng rậm và thú dữ luôn đe dọa cuộc sống của người dân. Cùng với đó là sự đè nén của thế lực phong kiến và chế độ thực dân.
Làng kế bên là Nga Trại cũng chịu cảnh bị đè nén, bóc lột tương tự, do đó, nhân dân 2 làng Đông Lâm – Nga Trại đã sớm ý thức được việc phải gắn kết với nhau, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, nguy biến để chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt và các thế lực thù địch.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, dân làng Đông Lâm đưa hàng trăm con trâu và thợ cày xuống giúp dân Nga Trại cấy cày. Dân Nga Trại cũng huy động hàng trăm xã viên lên giúp Đông Lâm thu hoạch lúa mùa khi thiên tai đe dọa.
Hai bên cùng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, tôn kính lẫn nhau, đoàn kết và giúp đỡ nhau cùng phát triển.
Bản hương ước 2 làng lập ra có quy định, thanh niên nam nữ 2 làng không được lấy nhau; nhân dân 2 làng không được mâu thuẫn, cãi nhau.
Cũng gần tương tự như 2 làng Đông Lâm – Nga Trại, 2 làng Phúc Linh – Hương Câu cũng có tục “kết chạ” lâu đời.
Làng Phúc Linh “kết chạ” với làng Hương Câu
Đình chùa làng Phúc Linh được tu bổ có sự đóng góp và giúp sức của làng Hương Câu
Theo các cụ cao niên kể lại, xưa kia làng Phúc Linh còn gọi là Kẻ Chiêng, còn làng Hương Câu gọi là Kẻ Cấu. Làng Phúc Linh chỉ có mấy chục hộ dân sinh sống trên một gò đất cao cạnh sông Cầu, thường xuyên phải chịu thiên tai nên đã “kết chạ” với làng Hương Câu để 2 bên cùng tương trợ nhau.
Khi làng Phúc Linh làm đình, nhân dân làng Hương Câu khiêng đá ong xuống giúp đỡ. Sau đó, làng Phúc Linh làm ngôi đình khác, chỉ trong một đêm, người dân Hương Câu khiêng đá, kéo gỗ xuống xếp ngay ngắn, đầy đủ.
Trong kháng chiến chống Mỹ, làng Hương Câu có hàng trăm mẫu lúa chín chưa kịp gặt khi mưa bão kéo đến. Ngay lập tức, dân làng Phúc Linh đến giúp đỡ.
Năm 2001, khi làng Hương Câu trùng tu đình làng, dân làng Phúc Linh ủng hộ được 20 triệu đồng, 6 vạn ngói và hàng trăm người tham gia dỡ mái ngói cũ.
Quy ước giữa 2 làng Phúc Linh – Hương Câu lập ra, trai gái 2 làng cũng không được lấy nhau. Cứ như thế, trải qua hàng trăm năm, nhân dân 2 làng gắn bó keo sơn, giúp đỡ nhau cùng nhau phát triển.
Không yêu đương, không xích mích…
Ông Đồng Văn Tiến – Phó Chủ tịch UBND xã Hương Lâm xác nhận, đến nay, chưa có một đôi trai gái nào của 2 làng Đông Lâm – Nga Trại và Phúc Linh – Hương Câu đăng ký hết hôn. Chính quyền không ngăn cấm, mặt khác tôn trọng hương ước giữa các làng.
Phóng viên đặt câu hỏi, liệu tục “kết chạ” có phải là một rào cản đối với tình yêu trai gái của những làng này với nhau?
Vị Phó chủ tịch xã trả lời: “Trải qua hàng trăm năm nay, hương ước của các làng đã lập ra với nhau, con trai, con gái từ bé đã được gia đình tuyên truyền, giáo huấn về phong tục này, tự họ ý thức được đó giống như người anh, người chị hoặc người em trong gia đình mà không nảy sinh tình cảm.
Bên cạnh đó, việc kết chạ giữa các làng cũng khiến cho tình hình an ninh trật tự trên địa bàn các thôn cũng ổn định hơn. Thanh niên, trai tráng ra đường có va chạm hay hiềm khích gì, nhưng khi biết là người làng mà làng mình “kết chạ” thì lại bỏ qua, bắt tay làm hòa.
Điều đó đã ăn sâu vào gốc rễ tiềm thức của người dân, là một nét truyền thống văn hóa tốt đẹp mà không phải chỉ xây dựng trong một sớm một chiều có ngay được”, ông Tiến chia sẻ.
Ông Đồng Văn Tú – Chủ đám đình làng Đông Lâm cho hay, “kết chạ” là một phong tục lâu đời của địa phương. Theo các cụ truyền lại, tục lệ này tính đến nay đã tồn tại trên 300 năm.
Ông Đồng Văn Tú – Chủ đám đình làng Đông Lâm
“Chúng tôi coi đây là một nét văn hóa truyền thống tốt đẹp từ đời ông cha để lại. Hai làng chúng tôi coi nhau như anh em ruột thịt. Chỉ cần người nào, nhà nào giữa 2 làng có xích mích với nhau, gia đình phải mang lễ đến đình làng kia để tạ lỗi. Thế nên không có chuyện đánh nhau hay trộm cắp xảy ra giữa 2 làng”, ông Tú tâm sự.
Cứ 6 năm một lần, 2 làng Đông Lâm và Nga Trại lại tổ chức rước lễ long trọng. Các bô lão của làng này sẽ rước Thánh của đình làng mình sang ngự ở làng kia và 6 năm sau sẽ rước trở lại. Trong 6 năm đó, năm nào 2 bên cũng cử những bô lão uy tín sang làng nhau tế lễ.
Ông Tạ Đăng Thùy – Trưởng ban khánh tiết đình làng Phúc Linh cũng cho biết, dù không biết 2 làng Phúc Linh – Hương Câu “kết chạ” từ bao giờ nhưng các cụ 80-90 tuổi hiện còn sống trong làng kể, từ đời ông, đời cụ của họ đã có tục lệ này. Thế nên, tục lệ ít nhất cũng tồn tại lên đến vài trăm năm.
Sau nhiều năm “kết chạ”, đến năm 1988, để duy trì và củng cố tình thâm, cả hai làng đã thống nhất lập lại quy ước mới có tên "Mối tình Hương - Phúc".
Quy ước mới này gồm 5 điều bắt buộc: Tình cảm hai làng luôn phải tuân theo sự chỉ đạo của Đảng, chính quyền; Dân hai làng phải khiêm nhường, tôn kính lẫn nhau; Thương yêu, đùm bọc lẫn nhau không kể người già hay trẻ nhỏ; Thường xuyên quan tâm đến nhau về mặt tinh thần, thăm hỏi, chia sẻ lẫn nhau những lúc khó khăn hoạn nạn; Nếu muốn thay đổi hương ước chung cần phải có sự đồng thuận của cả hai bên.
Đặc biệt, tuy “kết chạ” nhưng giữa Đông Lâm với Nga Trại và Phúc Linh với Hương Câu không phân biệt làng nào là làng anh, làng nào là làng em. Vì vậy, trong giao tiếp hằng ngày giữa người làng này với người làng kia, họ tôn trọng, cung kính lẫn nhau, gọi nhau là anh, là chị mà không phân biệt tuổi tác.