Các nhà lãnh đạo G7 dự hội nghị thượng đỉnh ở Hiroshima, Nhật Bản.
G7 đưa ra những tuyên bố nghe có vẻ như “thúc đẩy một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng”, nhưng những gì các nước G7 làm thực tế đang cản trở hòa bình quốc tế, phá hoại ổn định khu vực và kìm hãm sự phát triển của các nước khác, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra tuyên bố vào tối ngày 20/5, theo tờ Thời báo Hoàn Cầu.
"Bất chấp những lo ngại nghiêm trọng của Trung Quốc, G7 đã sử dụng các vấn đề liên quan đến Trung Quốc để bôi nhọ, công kích và can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Trung Quốc cực lực lên án và kiên quyết phản đối điều này và đã có phản ứng mạnh mẽ đối với nước chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh là Nhật Bản và các bên liên quan khác”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói thêm.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định Đài Loan là một phần của Trung Quốc và việc giải quyết vấn đề Đài Loan phải do người dân Trung Quốc quyết định.
G7 luôn nói về việc thúc đẩy hòa bình ở hai bờ eo biển Đài Loan, nhưng lại không lên tiếng phản đối “Đài Loan độc lập”. G7 đang âm thầm ủng hộ “Đài Loan độc lập”, gây tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định ở hai bờ eo biển, phát ngôn viên nói thêm.
Trung Quốc nhấn mạnh rằng các vấn đề ở Đài Loan, Hong Kong, Tân Cương hay Tây Tạng hoàn toàn là vấn đề nội bộ của nước này, phản đối sự can thiệp của các thế lực bên ngoài.
Về vấn đề Trung Quốc tăng tốc chế tạo vũ khí hạt nhân, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Bắc Kinh luôn cam kết tuân thủ chiến lược phòng thủ hạt nhân, không sử dụng vũ khí hạt nhân trước và luôn giữ kho vũ khí hạt nhân ở mức tối thiểu để đảm bảo an ninh quốc gia.
Trong thông cáo chính thức đưa ra tại hội nghị ở Hiroshima, Nhật Bản, nhóm G7 quan ngại về các hoạt động kinh tế và quân sự của Trung Quốc. Nhưng G7 vẫn để ngỏ khả năng thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc và tránh làm căng thẳng leo thang.
"Chúng tôi sẵn sàng thúc đẩy mối quan hệ mang tính xây dựng và ổn định với Trung Quốc, công nhận tầm quan trọng của việc thẳng thắn bày tỏ mối quan ngại với Trung Quốc", G7 cho biết. “Chính sách của G7 không nhằm mục đích gây tổn hại cho Trung Quốc, cũng như không tìm cách cản trở sự phát triển và tiến bộ kinh tế của Trung Quốc”, tuyên bố nói thêm, khẳng định các nước G7 không “tách rời hoặc hướng nội”.
Tờ Hoàn Cầu dẫn lời các chuyên gia Trung Quốc cho biết, tuyên bố có phần “nhẹ nhàng” trên cho thấy các nước G7 đang bất lực khi không thể ngừng hợp tác hoàn toàn với Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực quan trọng.
“Các đồng minh của Mỹ, đặc biệt là các nước châu Âu, không muốn chấm dứt hợp tác với Trung Quốc do những thiệt hại kinh tế đáng kể nếu điều này xảy ra”, Li Haidong, giáo sư Viện Quan hệ Quốc tế tại Đại học Ngoại giao Trung Quốc, cho biết.
Ông Li cho rằng, Mỹ đã nhận ra nỗ lực lôi kéo các nước đồng minh trong việc hạn chế hợp tác với Trung Quốc là điều phi thực tế ở thời điểm hiện tại.
Sự miễn cưỡng của các đồng minh, kết hợp với các mối quan hệ kinh tế bền vững của Trung Quốc, Nhà Trắng đã phải áp dụng một lập trường ôn hòa hơn. Tuy nhiên, Mỹ vẫn muốn tìm kiếm cơ hội thực hiện chiến lược trong tương lai, ông Li nói.
Về vấn đề Tổng thống Mỹ Joe Biden ở Nhật Bản lên tiếng ủng hộ việc các đồng minh huấn luyện phi công Ukraine điều khiển chiến đấu cơ F-16, các chuyên gia Trung Quốc cảnh báo quyết định này sẽ chỉ càng khiến xung đột trở nên khó đoán định và làm phức tạp hơn nữa nỗ lực tìm kiếm hòa bình thông qua đối thoại.
“Cách tiếp cận này có nguy cơ tiếp tục khiêu khích Nga và có khả năng leo thang thành một cuộc xung đột quân sự trực tiếp giữa NATO và Nga, với những hậu quả nghiêm trọng cho cả thế giới”, ông Li cảnh báo.