Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio hồi tháng 5/2023.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, việc NATO có ý định mở rộng hoạt động sang châu Á chỉ nhằm đáp ứng tham vọng của Mỹ, tiềm ẩn nguy cơ gây chia rẽ trong liên minh, trong đó không chỉ có Pháp là quốc gia phản đối.
Theo Hoàn Cầu, năm nay là năm thứ hai liên tiếp các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc được NATO mời tham dự hội nghị thượng đỉnh. Nhật Bản và Hàn Quốc hiện đang là hai quốc gia thúc đẩy sự phối hợp với các bước đi chiến lược của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc.
Các nhà lãnh đạo NATO sẽ nhóm họp ở thủ đô Vilnius, Lithuania trong hai ngày 11 và 12/7. Đây được coi là thời điểm để NATO tạo bước tiến trong kế hoạch mở văn phòng liên lạc tại Nhật Bản - quốc gia đại diện cho khả năng mở rộng phạm vi hoạt động của NATO tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Hôm 7/7, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno nói Thủ tướng Kishida Fumio sẽ tận dụng thời cơ này để nhấn mạnh sự cần thiết của mối quan hệ gắn bó chặt chẽ hơn giữa Nhật Bản và NATO.
Ngoài Nhật Bản, các quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương mà NATO muốn thúc đẩy quan hệ gồm Hàn Quốc, Úc và New Zealand.
Tuy nhiên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hiện là người lên tiếng phản đối mạnh mẽ nhất sáng kiến này của NATO. Ông Macron quan ngại rằng, với việc mở văn phòng liên lạc ở Nhật Bản, NATO đang ngày càng rời xa vai trò cơ bản ở Bắc Đại Tây Dương.
"Về nguyên tắc, chúng tôi không ủng hộ sáng kiến này", một quan chức Điện Elysee nói hôm 7/7. Theo quan điểm của chính phủ Pháp, Nhật Bản thực tế cũng không thực sự quan tâm đến việc NATO mở văn phòng liên lạc.
Các chuyên gia Trung Quốc nhận định, sự phản đối của Pháp có thể sẽ khiến NATO hoãn kế hoạch mở văn phòng liên lạc ở Nhật Bản. Nhưng điều này có thể không ngăn được xu hướng NATO can dự nhiều hơn vào các vấn đề ở châu Á - Thái Bình Dương.
Li Haidong, giáo sư tại Đại học Ngoại giao Trung Quốc, nói trên tờ Hoàn Cầu rằng, Mỹ là quốc gia muốn NATO mở rộng vai trò ở châu Á - Thái Bình Dương nhằm phục vụ mục đích riêng là kiềm chế Trung Quốc.
Điều đó dẫn đến những bất đồng, chia rẽ giữa Mỹ và các nước thành viên NATO khác, ông Li nói. Một số nước thành viên NATO lo ngại rằng, liên minh có thể sẽ bị phân tâm trong khi đang tập trung hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
"Thúc đẩy NATO mở rộng vai trò ở châu Á - Thái Bình Dương không chỉ phơi bày sự ích kỷ của Mỹ trong việc áp đặt các mục đích lên trên an ninh quốc gia của các nước thành viên khác, mà còn có nguy cơ chia rẽ liên minh", Song Zhongping, chuyên gia quân sự Trung Quốc ở Bắc Kinh, nói trên tờ Hoàn Cầu.
Lu Chao, chuyên tại Học viện Khoa học Xã hội Liêu Ninh, đưa ra cảnh báo rằng, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ trở thành mục tiêu số một trong các biện pháp đối phó của Trung Quốc, nếu hai nước này tiếp tục ủng hộ chính sách kiềm chế Trung Quốc của Mỹ thông qua NATO.
Việc mời liên minh quân sự ngoài lãnh thổ can dự vào khu vực cũng có thể khơi dậy sự cảnh giác cao độ của các nước luôn mong muốn hướng tới sự ổn định trong khu vực, ông Lu nói.