Báo Pháp nhận định việc Nga đẩy mạnh sử dụng không quân, ném bom dẫn đường ở Ukraine

Không quân Nga trong thời gian gần đây đã tăng cường hoạt động chiến đấu ở Ukraine, góp phần giúp tạo bước tiến ở thành trì Avdiivka. Tuy nhiên, Nga được cho là cũng hứng chịu tổn thất khi liên tiếp có các máy bay bị Ukraine bắn hạ.

Nga đang tích cực sử dụng không quân trong xung đột ở Ukraine nhằm tạo đột phá.

Theo trang France24 của Pháp, trong hai tuần qua, quân đội Ukraine tuyên bố bắn hạ 14 chiến đấu cơ Nga, bao gồm các mẫu máy bay mới nhất như Su-34 và Su-35. Nga cũng được cho là tổn thất thêm một máy bay cảnh báo sớm A-50.

Số liệu do Ukraine công bố không thể được xác minh độc lập. Nhưng nếu thực sự bắn rơi máy bay Nga, Ukraine sẽ không ngần ngại đưa ra tuyên bố nhằm giúp củng cố tinh thần binh sĩ, chuyên gia quân sự kiêm nhà phân tích quốc phòng độc lập, Marc Chassillan nói trên France24.

Nhìn chung, các chuyên gia phương Tây đều đồng tình rằng Nga đã tích cực sử dụng không quân trong xung đột thay vì bảo toàn lực lượng như trước đây.

"Để đạt thành công ở Avdiivka, Nga đã huy động sức mạnh của không quân. Nga đang tiếp tục duy trì đà tiến công", tướng Pháp Dominique Trinquand, cựu lãnh đạo phái bộ quân sự Pháp tại Liên Hợp Quốc và NATO, nhận định. "Có nhiều máy bay hoạt động trên bầu trời dĩ nhiên cũng tạo thêm rủi ro bị bắn rơi".

Nhưng sự thay đổi trong chiến thuật của Nga đã phát huy hiệu quả. Các chiến đấu cơ Nga liên tục xuất kích, ném hàng chục quả bom lượn dẫn đường mỗi ngày đang giúp tạo ra lợi thế rõ rệt cho lực lượng chiến đấu trên mặt đất.

"Trước cuộc xung đột, không quân Nga chưa từng sử dụng vũ khí dẫn đường chính xác với số lượng lớn như phương Tây. Nga đã thích ứng, biến các mẫu bom thông thường thành bom thông minh để tấn công mục tiêu chính xác hơn", chuyên gia Chassillan giải thích. "Những quả bom này nặng từ 200 - 500kg. Khi rơi xuống mục tiêu, chúng gây ra thiệt hại đáng kể".

"Bom lượn dẫn đường của Nga có thể phá hủy bất cứ vị trí nào", Egor Sugar, một binh sĩ Ukraine từng chiến đấu ở Avdiivka, cho biết hôm 16/2.

Ukraine đang gặp khó khăn do thiếu sự hỗ trợ từ phương Tây, đặc biệt là thiếu các hệ thống phòng không.

Justin Bronk, nhà nghiên cứu đến từ Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), nói Ukraine cũng chấp nhận rủi ro để đưa thêm hệ thống phòng không ra tiền tuyến đối phó máy bay Nga, bao gồm tổ hợp Patriot. Đây có thể là nguyên nhân khiến nhiều chiến đấu cơ Nga bị bắn rơi trong hai tuần qua.

Nhưng theo tướng Pháp Trinquand, Ukraine sẽ không mạo hiểm đưa tổ hợp phòng không Patriot tới tiền tuyến ở miền đông. "Ukraine có rất ít tên lửa Patriot và cần sử dụng chúng để bảo vệ các thành phố lớn, đặc biệt là Kiev", tướng Trinquand giải thích. "Các máy bay Nga làm nhiệm vụ yểm trợ tầm gần có nguy cơ đối mặt với mối đe dọa từ tên lửa vác vai như SATCP của Pháp hay Stinger của Mỹ nhiều hơn".

Đánh giá tình hình chiến sự ở Ukraine, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở ở Mỹ nhận định: "Nga dường như chấp nhận tổn thất đối với lực lượng không quân để đẩy mạnh hoạt động chiến đấu ở Ukraine".

"Lợi ích đạt được mà Nga kì vọng khi tăng cường sử dụng không quân có thể lớn hơn các tổn thất nếu có" ISW đánh giá.

"Sau thành công ở Avdiivka, Nga nhận thấy Ukraine chưa bố trí tuyến phòng thủ dự phòng nên đang tiếp tục tạo sức ép", tướng Trinquandnói.

"Nga đang tìm kiếm sự đột phá", chuyên gia Chassillan đồng tình. "Nga không muốn để Ukraine có thời gian tái tổ chức, gia cố phòng thủ".

Ngoài ra, các tổn thất gần đây được cho là chưa đáng kể đối với không quân Nga. Moscow sở hữu tới 1.500 máy bay các loại trước cuộc xung đột ở Ukraine. Khoảng 150 máy bay và trực thăng Nga tổn thất kể từ đó, theo France24.

Các nhà phân tích phương Tây nhận định, ngành công nghiệp quốc phòng Nga đủ sức bù đắp tổn thất, và có thể sản xuất các máy bay thay thế trong năm nay. Tuần trước, Nga cũng thông báo sẽ mở lại dây chuyền sản xuất máy bay cảnh báo sớm A-50 vì nhu cầu từ quân đội.

Chuyên gia Chassillan nhận định, tổn thất máy bay của Nga trong vài tuần qua chưa tương đương các cuộc chiến cường độ cao trong quá khứ.

"Nhưng giai đoạn đỉnh điểm của chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã mất 5.000 máy bay và trực thăng chỉ trong 8 năm, tương đương 2 - 3 chiếc mỗi ngày. Trong cuộc chiến tranh Sáu ngày, 500 máy bay đã bị bắn rơi hoặc bị phá hủy, tính cả máy bay của Israel và liên quân Ả Rập", chuyên gia Chassillan nêu dẫn chứng.

"Ngày nay, khi có máy bay bị bắn rơi, đó luôn là sự kiện lớn đối với phương Tây. Đơn giản là vì phương Tây đã không còn chứng kiến xung đột cường độ cao như trước", chuyên gia Chassillan nói thêm.

Nhật Minh - France24

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN