Báo Mỹ tiết lộ chi tiết về vụ đánh bom đường ống Nord Stream và nhân vật Ukraine đứng sau

Báo Mỹ Wall Street Journal (WSJ) hôm 14/8 tiết lộ chi tiết kế hoạch "của Ukraine" trong vụ đánh bom phá hủy đường ống Nord Stream năm 2022.

Đại tướng Valery Zaluzhny (phải) hiện là Đại sứ Ukraine tại Anh. Ảnh: Reuters.

Thông tin được tiết lộ trong bối cảnh vụ đánh bom phá hủy đường ống Nord Stream đang nóng trở lại. Hôm 14/8, Ba Lan xác nhận việc từng nhận được lệnh bắt của nhà chức trách Đức đối với một công dân Ukraine bị nghi liên quan vụ phá hoại đường ống Nord Stream.

"Nghi phạm Volodymyr Z không bị bắt vì đã rời lãnh thổ Ba Lan hồi đầu tháng 7 bằng cách vượt biên giới Ba Lan - Ukraine", cơ quan công tố Ba Lan cho biết.

Cùng ngày, tờ WSJ dẫn nguồn tin riêng tiết lộ "câu chuyện thực sự về vụ phá hoại đường ống Nord Stream".  WSJ cho biết đã phỏng vấn 4 quan chức quốc phòng và an ninh Ukraine. Đây là những người trực tiếp tham gia hoặc biết về kế hoạch đánh bom. Tất cả họ đều nói đường ống Nord Stream là mục tiêu hợp pháp trong cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Câu chuyện bắt đầu vào tháng 5/2022, trong một cuộc họp giữa các doanh nhân Ukraine và quan chức quân đội, ý tưởng phá hủy đường ống Nord Stream được đề ra. Ý tưởng này nhằm thể hiện sự hợp tác giữa khối doanh nghiệp và chính phủ Ukraine.

Các doanh nhân đóng vai trò cung cấp tài chính còn quân đội thực hiện vụ đánh bom. Một tướng Ukraine có kinh nghiệm trong các hoạt động đặc biệt sẽ giám sát việc thực hiện và báo cáo trực tiếp với Tổng Tư lệnh quân đội Ukraine khi đó là đại tướng Valery Zaluzhny.

Vài ngày sau, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phê chuẩn kế hoạch đánh bom, 4 nguồn tin nói với WSJ. Toàn bộ cuộc trao đổi diễn ra bằng lời nói, không để lại dấu vết trên giấy tờ.

Vụ nổ đường ống Nord Stream đã làm ảnh hưởng đáng kể hoạt động cung cấp khí đốt của Nga sang châu Âu. Ảnh: Reuters.

Nhưng sau đó một tháng, cơ quan tình báo quân sự Hà Lan MIVD đã nắm được âm mưu trên và phát cảnh báo với Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Giới chức Mỹ sau đó thông báo cho Đức về rủi ro với đường ống Nord Stream.

CIA cũng gửi thông điệp tới ông Zelensky, đề nghị Kiev dừng kế hoạch. Tổng thống Ukraine sau đó ra lệnh cho đại tướng Zaluzhny hủy bỏ kế hoạch. Nhưng ông Zaluzhny đã phớt lờ mệnh lệnh. Cấp dưới của ông Zaluzhny sau đó sửa đổi kế hoạch so với dự tính ban đầu', WSJ dẫn nguồn tin cho biết.

Vị tướng Ukraine được giao nhiệm vụ giám sát thực hiện kế hoạch đánh bom đã chiêu mộ một số sĩ quan hoạt động đặc biệt hàng đầu của Ukraine có kinh nghiệm trong việc chỉ đạo các nhiệm vụ bí mật có nguy cơ cao.

Một trong số đó là Roman Chervinsky, đại tá từng phục vụ trong hàng ngũ Cơ quan An ninh Ukraine (SBU), WSJ cho biết. Chervinsky hiện đang chờ xét xử tại Ukraine vì những cáo buộc không liên quan tới vụ đánh bom. Tháng 7/2024, khi được tại ngoại sau một năm tạm giam, Chervinsky từ chối trả lời truyền thông phương Tây, nêu lý do không được tiết lộ thông tin về vụ đánh bom đường ống Nord Stream.

Trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng sau đó, Chervinsky nói vụ phá hoại có hai tác động tích cực đối với Ukraine. Thứ nhất là giảm bớt ảnh hưởng của Nga với châu Âu. Thứ hai là khiến Nga chỉ còn duy nhất một con đường vận chuyển khí đốt sang châu Âu, đó là thông qua đường ống trung chuyển của Ukraine. Bất chấp xung đột, Ukraine thu về hàng trăm tiệu USD mỗi năm để khí đốt Nga xuất sang một số nước châu Âu.

Theo WSJ, Chervinsky và nhóm phá hoại đường ống Nord Stream ban đầu nghiên cứu một kế hoạch cũ được tình báo Ukraine và các chuyên gia phương Tây soạn thảo khi xung đột ở miền đoôg nổ ra vào năm 2014. Nhưng kế hoạch này bị bác bỏ vì quá phức tạp.

Chiếc thuyền Andromedia dài 15 mét được nhóm phá hoại Ukraine sử dụng để đánh bom đường ống Nord Stream. Ảnh: Getty Images.

Nhóm phá hoại quyết định sử dụng một chiếc thuyền buồm nhỏ. Việc đánh bom sẽ do 6 người thực hiện. Họ là những đặc vụ dày dạn kinh nghiệm của Ukraine và dân thường có chuyên môn về hàng hải. Mục tiêu là cho nổ đoạn đường ống Nord Stream nằm sâu 80 mét dưới đáy biển Baltic. Toàn bộ hoạt động đánh bom ước tính tiêu tốn của Ukraine khoảng 300.000 USD.

Tháng 9/2022, nhóm phá hoại thuê thuyền du lịch Andromeda dài 15 mét tại thị trấn cảng Rostock của Đức. Thuyền được thuê với sự giúp đỡ của một công ty du lịch Ba Lan - công ty bình phong do tình báo Ukraine thành lập để làm vỏ bọc cho các giao dịch tài chính gần một thập kỷ trước, WSJ tiết lộ.

Ngoài các quân nhân và đặc vụ Ukraine, nhóm phá hoại còn chiêu mộ dân thường, bao gồm một phụ nữ ngoài 30 tuổi để ngụy trang thành một nhóm bạn.

Khi kế hoạch diễn ra, quân nhân Ukraine xin nghỉ phép, tạm rời đơn vị chiến đấu ở miền đông. Chỉ huy đơn vị này không hề biết về nhiệm vụ mà quân nhân Ukraine thực hiện.

Theo WSJ, Ukraine từ lâu đã đào tạo quân nhân và dân thường thành các thợ lặn chuyên nghiệp. Căn cứ hải quân ở bán đảo Crimea trước đây từng là nơi Ukraine đào tạo thợ lặn cho các nhiệm vụ rà phá bom mìn và phá hoại.

Khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2024, các quân nhân Ukraine được đào tạo đã chuyển tới các đơn vị khác.

Chỉ được trang bị thiết bị lặn, thiết bị định vị vệ tinh, thiết bị dò sóng âm di động và bản đồ nguồn mở về đáy biển, cả nhóm 6 người lên đường.

WSJ tiết lộ, cả nhóm có thời điểm phải ghé cảng Sandhamn của Thụy Điển vì thời tiết xấu. Một người trong nhóm còn làm rơi thiết bị nổ xuống biển. Cả nhóm đã thảo luận về việc có nên hủy bỏ nhiệm vụ hay không nhưng khi thời tiết tốt hơn, hoạt động lại được tiếp tục.

Một số nhân chứng ở cảng Sandhamn nói thuyền Andromeda là chiếc thuyền duy nhất có treo lá cờ Ukraine trên cột buồm.

Toàn bộ hành trình của chiếc thuyền bị nhà chức trách Đức phát hiện. Ảnh: WSJ.

Theo WSJ, 2 người ở trên thuyền với vai trò cảnh giới, 4 người còn lại mặc đồ thợ lặn và làm việc theo cặp. Họ lặn xuống vùng nước băng giá, tối đen như mực, mang theo chất nổ mạnh gọi là HMX được nối với ngòi nổ bằng thiết bị hẹn giờ. 

Lặn xuống đáy biển Baltic trong 20 phút đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về thể chất để tránh những chấn thương nghiêm trọng.

Quá trình đánh bom sau đó diễn ra suôn sẻ. Vụ nổ lớn phá hủy 3 trong số 4 tuyến của đường ống Nord Stream.

Sau khi thông tin được truyền về Kiev, ông Zelensky đã khiển trách đại tướng Zaluzhny vì kháng lệnh. Nhưng tướng Zaluzhny nói kế hoạch một khi đã đề ra thì không thể rút lại được vì không thể liên lạc với các thành viên trong nhóm phá hoại để hủy lệnh vì lý do an ninh.

"Tướng Zaluzhny giải thích với ông Zelensky rằng kế hoạch đánh bom giống như một quả ngư lôi, một khi đã phóng ra thì không thể rút lại được", WSJ dẫn nguồn tin am hiểu vấn đề cho biết.

Đức là bên điều tra tích cực nhất vụ đánh bom vì Berlin chịu thiêt hại đáng kể. Trong quá trình vội vã rời Đức, nhóm phá hoại quên không tẩy sạch bằng chứng trên thuyền Andromeda. Điều này giúp các nhà điều tra Đức thu thập thông tin về chất nổ, vân tay và mẫu ADN của các nghi phạm.

Các nhà điều tra Đức sau đó lần ra số điện thoại liên lạc của nhóm phá hoại. Dữ liệu tổng hợp cho phép phác họa toàn bộ hành trình của con thuyền vào thời điểm đánh bom đường ống Nord Stream.

Kết quả điều tra cũng cho thấy một doanh nhân Ukraine đã liên hệ với một số công ty cho thuê thuyền ở Thụy Điển cũng như ở Đức. Việc liên hệ bắt đầu từ giữa tháng 5/2022.

Đến tháng 6/2024, nhà chức trách Đức ban hành lệnh bắt một công dân Ukraine mà Đức tin là thành viên trong nhóm phá hoại. Đức là liên lạc với Ba Lan nhờ hỗ trợ truy bắt nhưng kết quả là Ba Lan nói "không kịp bắt vì nghi phạm Volodymyr Z đã tẩu thoát qua biên giới Ba Lan - Ukraine".

Việc Ba Lan không bắt giữ nghi phạm là một đòn giáng mạnh vào cuộc điều tra của Đức. Nghi phạm giờ đây sẽ ẩn náu kỹ lưỡng và không rời khỏi Ukraine để tránh nguy cơ bị bắt giữ, WSJ nhận định.

Báo Expressen của Thụy Điển dẫn các nguồn tin từ Đức cho hay, tên đầy đủ của nghi phạm bị Đức phát lệnh bắt giữ là Volodymyr Zhuravlov, 44 tuổi. Zhuravlov được cho là nghi phạm chính gây ra vụ nổ 2 đường ống khí đốt của Nga.

Một số nhà báo Đức đã liên lạc với Zhuravlov qua điện thoại, nhưng người đàn ông này phủ nhận có liên quan đến vụ việc và nhanh chóng cúp máy.

Nhật Minh - WSJ

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN