Các binh sĩ trong hàng ngũ quân đội Đức.
Báo Bild của Đức dẫn nguồn tin am hiểu vấn đề trong quân đội, nói Berlin bày tỏ sự không hài lòng với cách Kiev chiến đấu dù các binh sĩ Ukraine đã có nhiều tháng được NATO huấn luyện.
Mô hình chiến đấu của phương Tây hiện nay chủ yếu dựa vào học thuyết quân sự Mỹ, trong đó các đơn vị bộ binh, tăng thiết giáp, không quân, pháo binh hiệp đồng chiến đấu để tạo ra hiệu quả cao nhất.
Trong khi đó, kể từ khi bắt đầu chiến dịch phản công, Ukraine chia các lữ đoàn chiến đấu thành nhiều nhóm nhỏ, cung cấp cho các nhóm này 1-2 xe tăng, vài xe bọc thép, xe phá mìn nhằm tạo mũi nhọn tiến công. Chiến lược này thất bại khi các mũi tiến công còn không tới được tuyến phòng thủ đầu tiên của Nga.
Gần đây, Ukraine được cho là đã thay đổi phương thức tác chiến nhưng càng chia đơn vị chiến đấu thành các nhóm nhỏ hơn, trong đó binh sĩ phải tự hành quân trên bộ, rà phá bom mìn một cách thủ công.
Theo báo Đức, phương thức chiến đấu như vậy càng gây bất lợi, không giống với cách các nước thành viên NATO chiến đấu. "Không thể nhận ra ai là người chỉ huy lực lượng hỗn hợp của Ukraine trên chiến trường", báo Đức dẫn nguồn tin trong quân đội cho biết.
"Chia nhỏ đơn vị chiến đấu không chỉ làm tăng nguy cơ bắn nhầm lẫn nhau, mà còn khó có thể tạo ra đà tiến công hoặc áp đảo về hỏa lực do các nhóm binh sĩ tác chiến một cách tự phát", báo Đức viết.
Nói cách khác, chừng nào Ukraine còn chia các lữ đoàn chiến đấu do phương Tây đào tạo thành các nhóm từ 10 - 30 người mà không cung cấp sự yểm trợ hay buộc họ chiến đấu đơn độc thì phương thức huấn luyện dù ưu việt đến đâu, vũ khí phương Tây cung cấp mạnh đến mức nào cũng không thể tạo ra thành công, báo Đức nhấn mạnh.
Ngoài ra, quân đội Đức được cho là phàn nàn rằng, một bộ phận binh sĩ Ukraine có tư duy chiến đấu kiểu cũ, do đó thay đổi sang cách chiến đấu kiểu phương Tây chưa đạt kết quả như kì vọng, hoặc tồi tệ hơn là huấn luyện cũng như không.
Báo Đức trích dẫn tài liệu của quân đội cho biết, các chỉ huy Ukraine đôi khi "bộc lộ các thiếu sót đáng kể trong năng lực lãnh đạo, dẫn đến việc đưa ra quyết định sai lầm và tạo ra nguy hiểm".
Đây là các yếu tố được cho là giải thích vì sao chiến dịch phản công của Ukraine diễn ra chậm, không đạt kì vọng của phương Tây.
Ngược lại, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky gần đây chỉ trích phương Tây chậm cung cấp vũ khí dẫn đến việc Kiev tổ chức phản công muộn hơn so với kế hoạch. Điều này gián tiếp giúp Nga có thời gian để xây dựng tuyến phòng thủ 3 lớp cực kỳ kiên cố.
Gần đây, đại tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, thông báo Mỹ và NATO đã huấn luyện cho tổng cộng 17 lữ đoàn chiến đấu của Ukraine, tương đương 63.000 binh sĩ. Đây là lực lượng được phương Tây tin rằng có đủ khả năng để xuyên thủng phòng tuyến Nga. Kiev cho đến nay chỉ đưa ra chiến trường một số ít lực lượng chiến đấu nằm trong số 63.000 binh sĩ này.