UAV MQ-9 Reaper của Mỹ rơi sau khi chạm trán với chiến đấu cơ Su-27 của Nga.
Theo Daily Mail, vài giờ sau khi máy bay không người lái (UAV) MQ-9 Reaper của Mỹ rơi ở Biển Đen, Nga đã huy động lực lượng hùng hậu tìm kiếm. Các thông tin liên lạc quân sự giữa các tàu tìm kiếm và máy bay của Nga được báo Mỹ New York Times công bố lần đầu tiên hôm 21/3.
Theo truyền thông phương Tây, quân đội Nga có thể vô ý hoặc cố ý sử dụng kênh liên lạc không mã hóa trong quá trình thu thập các mảnh vỡ máy bay. Các mảnh vỡ máy bay được thu thập gồm vỏ động cơ, phần mũi, phần cánh và bình xăng của chiếc MQ-9 Reaper.
"Chúng tôi đã trục vớt thành công 3 phần của khung máy bay", một tàu tìm kiếm Nga gửi thông điệp qua radio, theo Daily Mail. "Chúng tôi đang quay lại trực thăng để tìm kiếm thêm".
Theo thông tin thu thập được, các tàu thuyền và máy bay Nga bắt đầu tìm kiếm sau 8 giờ kể từ khi chiếc MQ-9 rơi. Các tàu thuyền này đã tìm kiếm và trục vớt các mảnh vỡ liên tục trong 4 giờ sau đó. Một tàu tìm kiếm của Nga thông báo về việc sắp hết nhiên liệu dự trữ và cần quay trở lại cảng ở bán đảo Crimea.
Tàu nghiên cứu Vodyanitskiy của Nga, con tàu được cho là đã tham gia sứ mệnh trục vớt các mảnh vỡ UAV Mỹ.
Trước khi thông tin trên được tiết lộ, giới chức Lầu Năm Góc nói đã kích hoạt tính năng xóa dữ liệu từ xa, thông qua phần mềm cài đặt trong hệ thống của chiếc MQ-9 Reaper. Giới chức Mỹ nói nếu Nga có tìm thấy các mảnh vỡ thì các mảnh vỡ này cũng không đem lại giá trị quân sự đáng kể.
"Bất cứ thứ gì còn sót lại có thể chỉ là lớp vỏ bên ngoài , không có giá trị trong việc khám phá bí mật công nghệ", phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nói trên đài CNN. "Chúng tôi không quá lo ngại về những gì Nga có thể vớt được".
Hải quân Mỹ cho đến nay không đưa tàu chiến tới Biển Đen và không có khả năng thực hiện các hoạt động tìm kiếm, trục vớt xác máy bay.
Chiếc MQ-9 Reaper rơi ở khu vực cách thành phố Sevastopol, bán đảo Crimea, khoảng 60km.
Hôm 21/3, giới chức Mỹ lần đầu xác nhận các hoạt động trinh sát được nối lại ở khu vực Biển Đen nhưng UAV Mỹ chỉ hoạt động ở phía nam vùng biển, cách xa hơn so với vị trí chiếc MQ-9 Reaper chạm trán với chiến đấu cơ Su-27 của Nga.
Theo một quan chức Mỹ, tuyến đường bay mới của UAV là "một phần trong nỗ lực tránh căng thẳng leo thang quá mức". Giới chức Mỹ cũng dự báo Nga có thể đơn phương tuyên bố đóng không phận với quy mô rộng hơn, gồm vùng Donbass, tỉnh Zaporizhzhia, Kherson và bán đảo Crimea để buộc UAV Mỹ phải bay cách xa khu vực này thêm.