Trân Châu Cảng, căn cứ hải quân Mỹ ở Hawaii bị Nhật Bản tấn công vào năm 1941.
Theo CNN, do khác biệt về địa lý và lịch sử, Hawaii về cơ bản không bị ràng buộc bởi hiệp ước NATO. Nếu một quốc gia nước ngoài tấn công bang Hawaii của Mỹ ở Thái Bình Dương, NATO không có nghĩa vụ can thiệp theo nguyên tắc phòng vệ tập thể. Hawaii là nơi Mỹ đặt căn cứ chiến lược ở Trân Châu Cảng và có trụ sở Bộ Tư lệnh châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ.
“Đó là điều kỳ lạ mà ít ai biết”, David Santoro, chủ tịch của tổ chức tư vấn Diễn đàn Thái Bình Dương ở Honolulu, Hawaii, nói với CNN. “Mọi người đều nghĩ rằng Hawaii cũng giống như các bang khác ở Mỹ”.
Ông Santoro chỉ ra vấn đề nằm ở tên gọi của liên minh, đó là Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Hawaii ở Thái Bình Dương và không thuộc lục địa Mỹ tiếp giáp Đại Tây Dương. “Câu trả lời đơn giản là Hawaii không phải là một phần của Bắc Mỹ”.
Bên cạnh đó, vào thời điểm NATO được thành lập vào năm 1949, Hawaii chưa phải là bang thứ 50 của Mỹ. Mỹ chính thức sáp nhập quần đảo Hawaii vào ngày 21/8/1959.
Trong khi Điều 5 của NATO quy định về phòng vệ tập thể trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công quân sự thì Điều 6 lại giới hạn phạm vi địa lý. Điều 6 quy định một cuộc tấn công dẫn đến việc NATO kích hoạt biện pháp phòng vệ tập thể chỉ có hiệu lực nếu nằm trong phạm vi lãnh thổ châu Âu hoặc Bắc Mỹ.
Quần đảo Hawaii là nơi Mỹ đặt các oanh tạc cơ chiến lược như B-52.
Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận Hawaii không được Điều 5 của NATO bảo vệ. Nhưng quần đảo Hawaii bị tấn công đồng nghĩa chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Mỹ bị đe dọa và các nước đồng minh NATO sẽ cần tham vấn để thống nhất hành động.
Chính phủ Mỹ cũng thừa nhận không thể đàm phán bổ sung thêm bang Hawaii vào phạm vi lãnh thổ được Điều 5 của NATO bảo vệ vì các nước thành viên NATO khác cũng có lãnh thổ nằm ngoài phạm vi lục địa châu Âu và phía Bắc Đại Tây Dương.
Ví dụ như NATO không can thiệp trong cuộc chiến giữa Argentina và Anh vào năm 1982 vì quần đảo Falkland tranh chấp nằm ở Nam Đại Tây Dương.
Theo các chuyên gia, đây là thời điểm các hiệp ước của NATO tỏ ra lỗi thời và cần được cập nhật theo tình hình mới. Trong trường hợp Mỹ xảy ra xung đột với Trung Quốc hoặc Triều Tiên, quần đảo Hawaii đóng vai trò là căn cứ chiến lược và có thể trở thành mục tiêu bị tấn công đầu tiên.
Năm 2022, một cuộc chiến giả định do Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS) thực hiện, cho thấy Trung Quốc sẽ tấn công quần đảo Hawaii của Mỹ một khi phát động chiến dịch quân sự thu hồi đảo Đài Loan.
Trong Thế chiến 2, ngay sau khi tuyên chiến với Mỹ, Nhật Bản đã phát động cuộc tấn công quy mô nhằm vào căn cứ hải quân Mỹ ở Trân Châu Cảng thuộc quần đảo Hawaii.
John Hemmings, chuyên gia về địa chính trị khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nói Hawaii không nằm trong phạm vi hiệp ước NATO giúp các nước châu Âu “tránh rắc rối” nếu xảy ra xung đột Mỹ - Trung ở châu Á – Thái Bình Dương.