Apple “chạy nước rút” chuyển 1,5 triệu iPhone từ Ấn Độ về Mỹ để né thuế của ông Trump

Động thái này nằm trong chiến lược đối phó với chính sách thuế cứng rắn của Tổng thống Donald Trump.

Apple phải chuyển gấp iPhone từ Ấn Độ về Mỹ

Apple đang đối mặt với mức thuế nhập khẩu lên đến 125% do chính quyền Tổng thống Trump áp dụng với hàng hóa từ Trung Quốc – nơi sản xuất chính của iPhone. Để tránh bị ảnh hưởng nặng, Apple đã tăng tốc sản xuất tại Ấn Độ và tổ chức vận chuyển gấp khoảng 1,5 triệu chiếc iPhone (tương đương 600 tấn hàng) về Mỹ bằng đường hàng không.

Hành động này nằm trong chiến lược âm thầm nhằm tích trữ hàng tại thị trường Mỹ – vốn là một trong những thị trường tiêu thụ iPhone lớn nhất. Việc này giúp Apple giảm thiểu rủi ro thiếu hụt hàng và giữ giá sản phẩm ổn định hơn trước các đợt tăng thuế.

So với thuế 125% từ Trung Quốc, hàng nhập khẩu từ Ấn Độ chỉ bị đánh thuế 26% và hiện mức thuế này đang được hoãn trong 90 ngày. Apple đã nhanh chóng tận dụng khoảng thời gian “vàng” này để “chạy nước rút”.

Một nguồn tin nội bộ cho biết: “Apple muốn đi trước chính sách thuế” để tránh tổn thất lớn về chi phí.

Để đẩy nhanh tiến độ, Apple đã vận động chính quyền sân bay Chennai – trung tâm sản xuất của hãng tại Ấn Độ – giảm thời gian thông quan từ 30 tiếng xuống chỉ còn 6 tiếng. Đây được gọi là “hành lang xanh” – mô hình từng được Apple áp dụng thành công tại một số sân bay ở Trung Quốc.

Từ tháng 3 đến nay, ít nhất 6 chuyến bay hàng hóa (mỗi chuyến chở được 100 tấn) đã rời Ấn Độ, trong đó có một chuyến cất cánh đúng lúc các mức thuế mới được ban hành.

Mỗi chiếc iPhone 14 (kèm cáp sạc) nặng khoảng 350 gram. Với 600 tấn hàng, Apple có thể vận chuyển khoảng 1,5 triệu máy, tính cả bao bì đóng gói.

Các hãng liên quan như Apple và Bộ Hàng không Ấn Độ đều từ chối bình luận, trong khi các nguồn tin đều yêu cầu giấu tên vì đây là chiến lược nội bộ chưa công bố.

Apple sản xuất bao nhiêu iPhone tại Ấn Độ?

Theo Counterpoint Research, hiện nay khoảng 20% lượng iPhone nhập khẩu vào Mỹ có xuất xứ từ Ấn Độ – phần còn lại vẫn đến từ Trung Quốc. Riêng trong năm ngoái, nhà máy Foxconn tại Chennai đã sản xuất khoảng 20 triệu chiếc iPhone, gồm cả iPhone 15 và 16.

Để kịp tiến độ, Apple đã gia tăng sản xuất tại Ấn Độ bằng cách tuyển thêm lao động và mở rộng giờ làm. Đáng chú ý, các nhà máy nay đã hoạt động cả vào ngày Chủ nhật – điều hiếm thấy tại Ấn Độ vốn coi Chủ nhật là ngày nghỉ.

Hiện tại, hai nhà cung cấp chính của Apple tại Ấn Độ – Foxconn và Tata – đang vận hành ba nhà máy và có thêm hai nhà máy mới đang được xây dựng để đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất.

Apple đã mất khoảng 8 tháng lên kế hoạch thiết lập hệ thống thông quan nhanh tại Chennai, với sự hỗ trợ tích cực từ chính phủ Ấn Độ. Đây là một phần trong chính sách thu hút đầu tư sản xuất công nghệ mà Thủ tướng Narendra Modi theo đuổi.

Dữ liệu hải quan cho thấy giá trị hàng hóa từ nhà máy Foxconn ở Ấn Độ xuất sang Mỹ đã tăng vọt: từ mức 110 - 331 triệu USD/tháng trong 4 tháng cuối năm ngoái lên đến 770 triệu USD trong tháng 1 và 643 triệu USD trong tháng 2 năm nay.

Hơn 85% số hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không trong tháng 1 và 2 đã được dỡ hàng tại các thành phố lớn như Chicago, Los Angeles, New York và San Francisco – những trung tâm phân phối hàng đầu của Apple tại Mỹ.

Đây là một bước đi mang tính chiến lược khi Apple tìm cách “gối đầu” hàng hóa tại thị trường chủ lực của mình, tránh gián đoạn nguồn cung khi các mức thuế chính thức có hiệu lực toàn diện.

Foxconn – đối tác sản xuất chính – chưa phản hồi các yêu cầu bình luận, nhưng vai trò của hãng trong việc hỗ trợ kế hoạch “né thuế” của Apple là rất rõ ràng.

Apple đang từng bước chuyển trọng tâm sản xuất ra khỏi Trung Quốc để giảm phụ thuộc vào quốc gia này, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ thương mại Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng.

Ấn Độ được xem là điểm đến chiến lược của Apple trong xu hướng “đa dạng hóa chuỗi cung ứng”, nhờ chi phí nhân công thấp, hỗ trợ chính sách từ chính phủ và tốc độ cải thiện cơ sở hạ tầng.

Dưới sự hỗ trợ của chính quyền Thủ tướng Modi, Apple đã có bước tiến dài trong việc xây dựng “trung tâm sản xuất thứ hai” sau Trung Quốc. Dù hiện tại sản lượng còn chiếm tỷ lệ nhỏ, nhưng vai trò của Ấn Độ sẽ ngày càng lớn trong tương lai.

Các chuyên gia đánh giá nếu Apple thành công với mô hình sản xuất tại Ấn Độ, nhiều hãng công nghệ khác cũng sẽ đi theo, kéo theo sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngọc Linh (Theo Reuters)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN