6 điều cha mẹ bỏ lỡ nhiều nhất khi dạy con, đến khi phát hiện thì đã muộn

Cha mẹ không nên làm hết mọi thứ cho con mình, điều đó chỉ khiến bản thân thêm mệt mỏi và con cái ỷ lại.

Ở mỗi một giai đoạn phát triển, trẻ có thể làm được rất nhiều việc dựa trên khả năng của mình. Tuy nhiên, một số cha mẹ lo lắng thái quá, sợ con mình gặp nguy hiểm, hoặc quá nôn nóng nên không để con tự làm. Dưới đây là 6 điều cha mẹ thường bỏ lỡ nhiều nhất khi dạy con cái:

1. Trẻ 1 tuổi đã có thể tự ăn

Trên thực tế, có nhiều gia đình dù các bé đã hơn 1 tuổi, thậm chí 5,6 tuổi vẫn được người lớn trong nhà đút ăn. Khi bé còn nhỏ, một số gia đình còn có thói quen bế rong đút ăn quanh xóm.

Việc để bé ngồi vào bàn ăn, tuy sẽ làm bẩn bàn nhưng đó lại là cách giúp bé tự học cách ăn. Sự lười biếng của bố mẹ đang tước đi khả năng tự lập của con cái.

2. Tự tắm gội, đi vệ sinh trước khi học mẫu giáo

Trước khi đi học mẫu giáo, trẻ hoàn toàn có thể tự tắm gội, đi vệ sinh đúng chỗ. Ở lứa tuổi này, trẻ em rất tò mò và thích bắt chước, vì thế cha mẹ nên hướng dẫn con mình tự vệ sinh cá nhân.

3. Sau khi học mẫu giáo, trẻ có thể tự giặt quần áo

Cha mẹ lo sợ con mình còn quá nhỏ để có thể làm các công việc nhà. Tuy nhiên, dù trẻ còn nhỏ nhưng chúng vẫn có thể giặt quần áo, rửa bát, sắp xếp đồ đạc, dọn dẹp đồ chơi, thậm chí nếu cha mẹ bày thì chúng biết cách cho quần áo vào máy giặt và bấm nút nào.

Trẻ cũng có thể rửa bát đĩa, những lần đầu tiên trẻ sẽ rửa chưa sạch, cha mẹ sẽ giúp con rửa lại và hướng dẫn con rửa đúng cách, sau vài lần trẻ sẽ biết làm.

4. Không kêu đói đừng nấu ăn

Nếu trẻ không kêu đói, cha mẹ không nên nấu ăn. Ưu điểm của việc này là sẽ trẻ tự động tìm tới cha mẹ khi chúng đói bụng, đặc biệt khi đói chúng không những ăn ngon miệng hơn mà còn ăn hết sạch đồ ăn, không “kén cá chọn canh” nữa.

Cha mẹ đừng sợ con mình đói, trẻ sẽ không bao giờ để mình chịu đựng cơn đói quá lâu, lúc này chúng sẽ biết quý trọng đồ ăn hơn.

5. Để trẻ tự kể lại câu chuyện sau khi nghe

Khi kể chuyện cho con nghe xong, cha mẹ nên yêu cầu con nhớ và kể lại câu chuyện đó bằng ngôn ngữ của mình. Bằng cách này, trẻ sẽ nhớ lâu hơn, giúp phát triển trí não và hiểu sâu hơn về những câu chuyện mình đã được nghe.

6. Điểm kém được khen thưởng

Điểm số không phải là điều quan trọng nhất trong cuộc sống của một đứa trẻ, điều cần chú ý hơn cả là đạo đức và nhân cách của trẻ như thế nào. Khi học tiểu học, có thể trẻ sẽ không học tốt các môn ở trường nhưng nếu thấy con mình tiến bộ, chăm chỉ, cha mẹ nên thưởng một cái gì đó chẳng hạn như một chuyến du lịch sau khi kết thúc năm học.

Cha mẹ có thể nói với con mình rằng, chuyến đi này là phần thưởng cho sự cố gắng của con khi biết cố gắng trong học tập. Chắc chắn đứa trẻ nào cũng sẽ vui sướng khi được nghe cha mẹ mình nói như vậy. Đây chính là sự khẳng định, tin tưởng vào con cái mà không tiền bạc nào có thể mua được.

THÙY LINH (Theo QQ)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN