4 kiểu lừa đảo trực tuyến tinh vi, nhẹ dạ cả tin dính bẫy ngay

Các hành vi lừa đảo thanh toán ngày càng tinh vi hơn, theo Báo cáo về Rủi ro thanh toán mới nhất vừa được công bố nửa đầu năm 2024.

Visa vừa công bố Báo cáo về Rủi ro thanh toán được thực hiện định kỳ hai lần một năm, cho thấy hàng loạt rủi ro thanh toán phổ biến đang tác động tiêu cực đến người dùng và doanh nghiệp trên toàn thế giới. Đặc biệt, báo cáo nhận thấy, xu hướng gia tăng của các mối đe dọa tinh vi và có hệ thống đang nhắm vào yếu tố con người.

Ông Paul Fabara, Giám đốc toàn cầu phụ trách Quản lý rủi ro và Dịch vụ khách hàng của Visa cho biết, Visa hiện đầu tư hơn 10 tỉ USD Mỹ vào công nghệ và đổi mới sáng tạo trong suốt 5 năm qua để ngăn chặn những mối đe dọa tiềm ẩn trong quá trình thanh toán.

“Bằng việc tận dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI) và nhiều công nghệ mới nổi khác, các hành vi lừa đảo đang trở nên cực kỳ tinh vi, khiến người tiêu dùng phải chịu tổn thất rất lớn”, ông Paul Fabara cảnh báo.

Các mối đe dọa trực tuyến ngày càng tinh vi. (Ảnh: Getty Images)

Theo Visa, hiện nay, ngày càng có nhiều người tiêu dùng trở thành mục tiêu của các đối tượng lừa đảo, khi nhóm trục lợi này nhắm vào các yếu tố chi phối cảm xúc để thực hiện hành vi gian lận. Đáng chú ý, kết quả khảo sát chỉ ra số lượng trường hợp lừa đảo cá nhân từ tháng 6 - 12/2023 có chiều hướng giảm, nhưng ngược lại tổng giá trị giao dịch bị thiệt hại đang gia tăng.

Điều đó cho thấy đối tượng xấu đang nhắm vào những giao dịch giá trị lớn hơn với các phương thức lừa đảo tinh vi và hiệu quả hơn. Theo một khảo sát khác gần đây của Visa, hơn 1/3 số người được khảo sát quyết định không báo cáo các vụ lừa đảo mà họ gặp phải, cho thấy mức độ tổn thất thực tế cao hơn mức được ghi nhận.

Dưới đây là 4 kiểu lừa đảo trực tuyến tiêu biểu:

Lừa đảo kiểu “mổ lợn” (Pig butchering)

Nhắm vào các dịp lễ đặc biệt như Lễ Tình nhân và Giao thừa, đối tượng lừa đảo có thể lợi dụng mạng xã hội và các nền tảng hẹn hò trực tuyến để xây dựng quan hệ tình cảm với nạn nhân, sau đó dụ dỗ họ đầu tư hoặc tham gia vào nền tảng giao dịch tiền số giả mạo.

Bằng việc tận dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra dự án với nội dung có tính thuyết phục cao hơn, các vụ lừa đảo kiểu “mổ lợn” ước tính đã gây thiệt hại hàng tỉ đô la cho người tiêu dùng. Theo một nghiên cứu của Visa, 10% số người tham gia khảo sát đã từng là mục tiêu của những vụ lừa đảo kiểu “mổ lợn”.

Lừa đảo thừa kế (Inheritance scams)

Điển hình trong dạng lừa đảo này, nạn nhân sẽ nhận được thông tin về khoản tài sản thừa kế bất ngờ do một người họ hàng đã mất từ lâu để lại, thông báo thường được gửi đi từ một đơn vị giả danh công ty luật hoặc tổ chức có hình thức chuyên nghiệp và hợp pháp.

Một số dấu hiệu được chuyên gia khuyến cáo để nhận biết dạng lừa đảo này như: Tính bí mật, yếu tố gấp rút về thời gian, yêu cầu thông tin cá nhân và đề nghị thanh toán khoản phí đảm bảo ban đầu. Thống kê từ Visa cho thấy, 15% số người khảo sát ở Hoa Kỳ đang trở thành mục tiêu của các vụ lừa đảo thừa kế.

Lừa đảo cứu trợ nhân đạo (Humanitarian relief scams)

Đối tượng lừa đảo lợi dụng các thảm kịch để kêu gọi quyên góp trên mạng xã hội nhằm lừa gạt những nhà tài trợ cả tin.

Tam giác gian lận (Triangulation fraud)

Đối tượng lừa đảo tạo ra gian hàng trực tuyến bất hợp pháp, chào bán các sản phẩm với giá thấp để thu thập dữ liệu của người tiêu dùng. Sau đó, kẻ gian sử dụng thông tin của họ để mua hàng tại một nhà bán lẻ hợp pháp, và thực hiện việc thanh toán bằng thẻ ngân hàng đã bị ăn cắp. Tam giác gian lận khiến các nhà bán lẻ thiệt hại tới 1 tỉ USD chỉ trong 1 tháng.

Bên cạnh chủ thẻ cá nhân, kẻ gian cũng liên tục thăm dò nhóm đối tượng lớn hơn - như các tổ chức hay mạng lưới công ty, để tìm ra điểm yếu cũng như tận dụng các công nghệ mới để khai thác những lỗ hổng an ninh có khả năng ảnh hưởng sâu rộng tới hoạt động vận hành của doanh nghiệp và mạng lưới.

Mới đây, công ty an ninh mạng Kaspersky và Ban Cơ yếu Chính phủ (VGISC) đã gia hạn thoả thuận hợp tác ký kết từ năm 2018, nhằm mở rộng hợp tác hiện có để tiếp tục tăng cường năng lực an ninh mạng quốc gia.

Theo Kaspersky, sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế số tại Việt Nam đã dẫn đến sự gia tăng tương ứng về rủi ro an ninh mạng, buộc cả các tổ chức công và tư nhân phải tăng cường công tác an ninh mạng của mình.

Kể từ khi ký kết thoả thuận hợp tác vào năm 2018, Kaspersky và VGISC đã phối hợp thực hiện nhiều sáng kiến nhằm nâng cao khả năng phòng thủ và giám sát mối đe doạ an ninh mạng quốc gia.

Việc gia hạn thoả thuận hợp tác năm 2018 sẽ tăng cường liên minh chiến lược và bao gồm hợp tác trong các lĩnh vực chuyển giao công nghệ, chia sẻ kiến thức, hỗ trợ chuyên gia, trao đổi kỹ thuật và xây dựng năng lực nhằm tăng cường bảo vệ không gian mạng của Việt Nam.

Thiên Thanh

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN