Độc lạ cách nghệ nhân phục hồi sách cổ tuổi đời trăm năm
Những cuốn sách cổ vài chục đến vài trăm năm tuổi, đã nhuốm màu thời gian thường được phục chế thế nào?
Nghệ nhân Sophia Bogle đã có 25 năm tuổi nghề. Bà thành lập công ty Save Your Books để phục vụ các khách hàng có nhu cầu sửa chữa, phục hồi sách cũ. Với cuốn sách có tuổi đời đến trăm năm như cuốn Truyện cổ Andersen thì việc phục hồi cuốn sách cần tới bàn tay của những nghệ nhân có kinh nghiệm.
Tình trạng của cuốn sách trăm năm tuổi trước khi phục chế. Ảnh: Cincinnati Magazine.
Việc đầu tiên cần phải làm khi muốn khôi phục một cuốn sách cổ là làm sao để tách cuốn sách khỏi bìa. Để thực hiện việc tách bìa, các nghệ nhân cần một con dao chuyên dụng, có đầu tròn và không quá sắc để tránh làm hư hại tới những trang sách mong manh.
Một cuốn sách cổ và bị thời gian bào mòn thường có tính axit. Bởi vậy nếu đặt chúng bên cạnh những cuốn sách khác mà không có thao tác xử lý trước, những tác phẩm bên cạnh cũng có thể bị ăn mòn nhanh chóng.
Sau khi tách được phần bìa sách ra khỏi ruột, phần gáy sách được làm nhẵn lại bằng giấy ráp. Công việc này giúp cho gáy sách sạch sẽ và gọn gàng. Sau đó các nghệ nhân thường tiến hành công tác tổng vệ sinh cho sách.
Khi tiến hành sửa chữa một cuốn sách, vẫn sẽ có một số trang sách bị dính chặt vào nhau. Bằng kĩ thuật “rửa sạch”, người ta có thể vừa tách các trang sách ra một cách an toàn, vừa làm sạch băng keo cũ. Quá trình này thường được nghệ nhân xử lý bằng nước nóng vừa mà không cần thêm bất cứ chất phụ gia nào.
Sách được ngâm trong nước nóng vừa trong khoảng vài tiếng đồng hồ. Khi đó, các trang sách sẽ trở nên mỏng manh hơn rất nhiều nên mọi thao tác đều phải cẩn thận tối đa.
Sau đó, các nghệ nhân sẽ dùng các dụng cụ chuyên dụng để có thể tách các trang giấy trong nước cũng như sử dụng bàn chải mềm để chải sạch lớp keo cũ. Sau khi công đoạn này hoàn tất, các trang sách sẽ được làm khô.
Công đoạn trang trí lại bìa sách cũng có nhiều lưu ý. Với các chi tiết mạ vàng đã bị bay mất theo thời gian, các nghệ nhân có rất nhiều cách để phục hồi. Một trong những cách nhanh nhất là sử dụng cọ vẽ để có thể kiểm soát phần việc này tốt nhất.
Những bìa sách cũ sẽ được ưu tiên sửa chữa, phục hồi lại hơn là thay mới. Ảnh: Book Riot.
Bên cạnh đó, họ cũng thường gặp phải những trang giấy không còn nguyên vẹn, bị xé rách. Để phục hồi các phần trang bị rách, nghệ nhân thường dùng hồ giấy của Nhật, loại được làm từ bột gạo. Bạn chỉ cần quét một lớp hồ thật mỏng là đủ để dán liền phần giấy bị rách.
Sau khi các công đoạn được hoàn tất, công đoạn cuối cùng là ráp lại tất cả các trang sách và bìa sách. Công đoạn này cũng cần nhiều kì công và cẩn thận, để cho ra cuốn sách cuối cùng được phục hồi nguyên vẹn và chắc chắn.
Mời độc giả xem video:Bị kiểm tra nồng độ cồn, tài xế đánh Cảnh sát giao thông. Nguồn: THDT.
Chí Phèo xuất thân thế nào, giết Bá Kiến lúc say hay tỉnh?
Chí Phèo là nhân vật nổi tiếng trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao. Tuy nhiên nhiều câu hỏi như xuất thân của Chí Phèo, khi đi tù về Chí Phèo đến nhà Bá Kiến mấy lần, Chí Phèo giết Bá Kiến lúc tỉnh hay say… vẫn làm người đọc bất ngờ.
Ngay đầu tác phẩm Chí Phèo, nhà Văn Nam Cao đã đề cập đến xuất thân của Chí Phèo. Chí Phèo là đứa trẻ mồ côi không cha không mẹ bị bỏ rơi ở lò gạch từ lúc còn đỏ hỏn. “Một anh đi thả ống lươn, một buổi sáng tinh sương đã thấy hắn trần truồng và xám ngắt trong cái váy đụp để bên một lò gạch bỏ không, anh ta rước lấy và đem cho một người đàn bà góa mù”.
Theo truyện, người đàn bà góa mù bán Chí Phèo cho một bác phó cối không con. Khi bác phó cối chết, Chí Phèo bơ vơ, hết đi ở cho nhà này lại đi ở cho nhà nọ. Cho đến năm 20 tuổi, Chí Phèo làm canh điền cho nhà Bá Kiến. Sau đó đi tù.
Khi ở tù về, Chí Phèo ba lần đến nhà Bá Kiến. Mỗi một lần đặt chân đến nhà Bá Kiến là một lần tạo ra bước ngoặt và sự chuyển biến trong con người Chí Phèo.
Lần thứ nhất Chí Phèo đến nhà Bá Kiến là lúc vừa đi tù về. Trong cơn say khướt, Chí Phèo xách vỏ chai đến cổng nhà Bá Kiến gọi tận tên tục ra mà chửi. Trong lần gặp mặt này Bá Kiến mời Chí Phèo vào nhà, giết gà đãi rượu, lúc Chí Phèo về còn đãi một đống bạc.
Lần thứ hai Chí Phèo đến nhà Bá Kiến để xin được đi tù. “Bẩm quả đi tù sướng quá đi, ở tù còn có cơm ăn, bây giờ về làng về nước một thước cắm dùi...”. Trong lần gặp này chỉ một câu nói khích, Bá Kiến đã sai được Chí Phèo đến nhà đội Tảo đòi nợ, sau đó Chí Phèo trở thành chân tay của Bá Kiến, chuyên đâm thuê chém mướn, rạch mặt ăn vạ.
Lần thứ ba cũng là lần chót Chí Phèo đến gặp Bá Kiến. Lần này Chí Phèo đến gặp Bá Kiến để đòi lương thiện “Ai cho tao lương thiện. Không được! Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể là người lương thiện nữa. Biết không”. Sau đó Chí Phèo đâm chết Bá Kiến.
Theo tác giả miêu tả, Chí Phèo đã uống hết hai chai rượu trước khi bước chân vào nhà Bá Kiến. Nghĩa là lúc đấy Chí Phèo đã say. Nhưng trước khi đâm Bá Kiến, Chí Phèo lại nói 3 câu rất tỉnh đòi lương thiện. Có lẽ cuộc đời Chí Phèo, chủ yếu là say, nhưng trong cơn say cuối cùng trong đời, Chí Phèo đã bừng tỉnh, trong khoảnh khắc bừng tỉnh ấy Chí Phèo giết Bá Kiến và chấm dứt cuộc đời mình.
Cái chết của Chí Phèo để lại trong lòng người bao trăn trở, bao suy tư. Hình ảnh Chí trở thành một điển hình văn học, một kiểu mẫu của loại người bị tha hóa về mặt nhân cách. Ngoài ra, qua Chí Phèo, nhà văn Nam Cao bày tỏ sự cảm thông, thái độ tôn trọng sâu sắc đối với số phận của những kẻ thấp cổ bé họng, bị xã hội chà đạp, ruồng rẫy, chối bỏ, thậm chí tước bỏ cả quyền làm người.
Mời độc giả xem video: Cuộc sống các ái nữ thuộc thế hệ Rich kid Việt Nam. Nguồn: Bản Tin Showbiz Việt.
Nguyễn Huy Thiệp gửi gắm điều gì qua Con gái thủy thần?
Nguyễn Huy Thiệp sinh ngày 29/4/1950, là tượng đài văn chương đương đại Việt Nam. Ông sáng tác truyện ngắn, kịch, tiểu luận và tiểu thuyết với những góc nhìn mới, táo bạo. Trong đó phải kể đến tác phẩm truyện ngắn Con gái thủy thần.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời lúc 16h45 ngày 20/3, do tuổi cao, sức yếu, thọ 71 tuổi. Ông để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng như Tướng về hưu, Chảy đi sông ơi, Những người thợ xẻ... Đặc biệt, trong sự nghiệp văn chương của Nguyễn Huy Thiệp có một bộ phận không nhỏ sáng tác mang cảm hứng huyền thoại. Trong đó phải kể đến tác phẩm Con gái thủy thần với nhân vật Chương.
“Chắc nhiều người còn nhớ trận bão mùa hè năm 1956. Trận bão ấy, ở bãi nổi trên sông Cái, sét đánh cụt ngọn cây muỗm đại thụ. Không biết ai nó trông thấy có đôi giao long quấn chặt lấy nhau vẫy vùng làm đục cả một khúc sông. Tạnh mưa, dưới gốc cây muỗm, có một đứa bé mới sinh đang nằm. Đứa bé ấy là con thuỷ thần để lại. Dân trong vùng gọi đứa bé ấy là Mẹ Cả.”.
Chuyện Mẹ Cả ám ảnh Chương suốt cuộc đời niên thiếu. Xuyên suốt Con gái thủy thần là hành trình của Chương trong cuộc kiếm tìm huyền ảo và vô vọng. Cuộc kiếm tìm bắt đầu từ tuổi thơ buồn bã cho đến lúc trưởng thành đầy gian nan khổ sở của Chương.