Trong hội nghị đối thoại với doanh nghiệp của TP Hà Nội chiều 16/4, Tập đoàn Vingroup cho biết các hoạt động kinh doanh đều gặp khó khăn ở nhiều lĩnh vực.
Với mảng dịch vụ du lịch, tập đoàn đã phải dừng 70% các cơ sở khách sạn trong khi 30% còn lại chỉ hoạt động cầm chừng, 100% các khu vui chơi giải trí đã đóng cửa. Tập đoàn vẫn đang duy trì số nhân viên khu vực khách sạn hơn 18.000 người và phải đảm bảo thu nhập. Doanh thu dịch vụ du lịch giảm rất nhiều và lỗ trước thuế khoảng 3.000 tỷ đồng.
Hoạt động bất động sản và trung tâm thương mại cũng gặp khó khăn, nhiều khách hàng đã trả mặt bằng thuê. Tập đoàn cũng đóng cửa một số khu kinh doanh trong thời gian dịch bệnh này theo yêu cầu của chính quyền các địa phương.
Với giải đua F1 Vietnam Grand Pix 2020, Vingroup đã đầu tư rất lớn nhưng hiện nay cũng phải hoàn lại 100% tiền vé cho các khách đã mua.
|
Các mảng kinh doanh của Vingroup đều gặp khó khăn vì dịch Covid-19. Ảnh: Vingroup.
|
Trong hoạt động giáo dục, Vinschool và VinUni phải đóng cửa 100% kể từ tháng 1. Dù vậy, đại diện tập đoàn nói rằng vẫn phải đầu tư chương trình học trực tuyến để đảm bảo việc học của học viên không bị gián đoạn nhưng không thu thêm bất kỳ chi phí thêm nào. Tập đoàn cũng phải trả lương đầy đủ cho đội ngũ giáo viên, cán bộ nhân viên nên hoạt động này cũng đang bị lỗ.
“Nói chung về tất cả các hoạt động, Tập đoàn đang hoạt động đa ngành nên gặp khó khăn chung, lĩnh vực nào, ngành nghề nào cũng bị thiệt hại”, lãnh đạo Vingroup phát biểu trong hội nghị.
Vingroup đề xuất giãn thuế, miễn tiền thuế đất
Trở lại với những đề xuất, Vingroup cho biết Chính phủ đã ra nhiều quyết định giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, tập đoàn muốn bổ sung thêm việc kéo dài, gia hạn thêm thời gian nộp thuế và tiền thuế đất 1 năm thay cho 5 tháng bởi thời gian dịch bệnh tương đối dài. Riêng các cơ sở kinh doanh ăn uống lưu trú, Vingroup muốn xin miễn tiền thuế đất năm 2020.
Với ngành công nghiệp sản xuất ô tô nội địa (VinFast), Vingroup đề nghị thành phố xin giãn thuế tiêu thụ đặc biệt. Hoạt động của VinFast từ khi khánh thành đến nay vẫn đang lỗ theo kế hoạch và bản thân dự án đang lỗ nên nên giãn thuế thu nhập doanh nghiệp không có nhiều ý nghĩa.
Tại Hà Nội, Vingroup xin hỗ trợ các thủ tục hành chính như sớm cho phép các doanh nghiệp được tài trợ bằng sản phẩm, điều chỉnh về cục bộ quy hoạch chung cũng như điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu, điều này nhằm giảm chi phí ngân sách đồng thời rút ngắn tiến độ triển khai các dự án.
Về thủ tục đầu tư, tập đoàn đề nghị sớm phê duyệt danh mục các dự án có sử dụng đất kêu gọi các nhà đầu tư sau dịch Covid-19 để các nhà đầu tư tham gia, để các doanh nghiệp có thể triển khai nhanh và đóng nộp tiền sư dụng đất vào ngân sách cuối năm.
Một đề nghị khác liên quan các dự án BT đang triển khai là tạo điều kiện giao quỹ đất đối ứng của các dự án đã giải phóng mặt bằng xong, tổ chức triển khai sớm.
Về thủ tục hành chính, hỗ trợ giải quyết dứt điểm các hồ sơ, các dự án đang tồn đọng. Với các dự án đã được phê duyệt chi tiết, thì cơ quan Nhà nước nên sớm làm thủ tục những nội dung còn lại để giao đất, tính tiền sử dụng đất cho Nhà nước.