Vinagame lỗ quý 4 tới 223 tỷ đồng kéo lãi cả năm sụt giảm 58%

Vinagame – công ty game số 1 Việt Nam báo lãi giảm 58% trong năm 2020 là mức thấp kỷ lục trong thời gian gần đây.
Theo BCTC quý 4, CTCP VNG (Vinagame) ghi nhận doanh thu thuần 1.611 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ. Đáng chú ý là khoản lỗ sau thuế trong quý 4 của VNG lên tới 223 tỷ đồng, trong khi quý 4/2019 lãi hơn 33 tỷ đồng.
Nguyên nhân thua lỗ do các công ty liên kết của Vinagame cũng hoạt động kém hiệu quả, khiến doanh nghiệp lỗ 50 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi gần 39 tỷ đồng. Cùng với đó, do phát sinh dự phòng tổn thất tài sản tăng đột biến, doanh nghiệp gánh thêm khoản lỗ khác hơn 145 tỷ đồng, lỗ đậm hơn quý trước gấp ba lần.
Vinagame lo quy 4 toi 223 ty dong keo lai ca nam sut giam 58%
 VNG báo lãi năm 2020 giảm 58%.
Khoản lỗ lớn này đã kéo mức lợi nhuận lũy kế trong năm 2020 của VNG xuống còn 191 tỷ đồng, tương đương giảm tới 58% so với khoản lãi 455 tỷ đồng của năm 2019 và cũng là mức lợi nhuận thấp nhất trong vòng nhiều năm lại đây của công ty game số 1 Việt Nam.
Đáng chú ý, doanh nghiệp đặt kế hoạch kinh doanh năm 2020 là lỗ 246 tỷ đồng, do đầu tư nhiều cho các sản phẩm chiến lược dài hạn, điển hình là Zalopay. Ban lãnh đạo Vinagame cho biết, con số âm chỉ là ghi nhận theo nguyên tắc kế toán trên báo cáo hợp nhất nhưng thực tế lợi nhuận dự kiến cho các cổ đông vào mức 299 tỷ đồng.
Tại ngày 31/12/2020, tổng tài sản của Vinagame đạt 7.818 tỷ đồng, tăng 11% so với cuối năm 2019. Chiếm tỷ trọng lớn nhất là tài sản ngắn hạn với 6.068 tỷ đồng, trong đó tiền nhàn rỗi đạt 2.419 tỷ đồng, đầu tư tài chính gần 2.100 tỷ đồng, hàng tồn kho chiếm 26 tỷ đồng...
Trong năm qua, VNG chi mạnh cho ZaloPay - đơn vị hiện do VNG nắm giữ 60% cổ phần khiến lợi nhuận hợp nhất của công ty sụt giảm. Phần lớn lỗ sau thuế của cổ đông không kiểm soát đến từ ZaloPay, ước tính ví điện tử này lỗ khoảng 250 tỷ trong quý 4 và 670 tỷ đồng trong cả năm 2020. Năm 2019, ZaloPay lỗ 390 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong quý 4, VNG thực hiện đầu tư 20% cổ phần vào Công ty CP Công nghệ Ecotruck, hoạt động chính là sản xuất phần mềm và hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải và cũng là khoản đầu tư vào công ty start-up mới nhất của VNG.
Như vậy, tổng giá trị khoản đầu tư vào các công ty liên kết tăng từ 30,7 tỷ đồng lên 122 tỷ đồng.
Doanh nghiệp chỉ ghi nhận 1.738 tỷ đồng nợ phải trả, trong khi vốn chủ sở hữu lên đến 6.080 tỷ đồng, gấp gần 4 lần.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN