Vinachem lỗ luỹ kế hơn 5.850 tỷ, Đạm Ninh Bình và DAP số 2 không có khả năng thanh toán

Điều đáng ngại ở Vinachem là vay nợ tài chính lên tới 21.971 tỷ, trong đó Đạm Ninh Bình và DAP số 2 không có khả năng thanh toán toàn bộ nợ vay và lãi đến hạn.
 
Tiếp tục lỗ 189 tỷ 6 tháng, nâng lỗ luỹ kế lên 5.854 tỷ đồng
Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) vừa công bố báo cáo tài chính soát xét 6 tháng 2021 với doanh thu thuần tăng khá gần 31% so cùng kỳ khi đạt 23.735 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp ghi nhận 3.380 tỷ, tương ứng tỷ suất lãi gộp biên 14,2% tăng khá so mức hơn 12% của cùng kỳ.
Kỳ này, chi phí tài chính tiếp tục là gánh nặng của Vinachem khi vẫn chiếm 1.125 tỷ đồng chủ yếu là chi phí lãi vay (1.082 tỷ đồng). Dù vậy, Vinachem vẫn đạt 359 tỷ đồng lợi nhuận thuần, khả quan hơn nhiều so mức lỗ thuần 689 tỷ đồng của cùng kỳ 2020.
Tuy nhiên, sau khi trừ thuế, Vinachem lại tiếp tục lỗ ròng 189 tỷ đồng, thấp hơn mức lỗ khủng 860 tỷ đồng của cùng kỳ. Nâng lỗ luỹ kế lên tới 5.854 tỷ đồng. 
Tuy nhiên, Vinachem vẫn ghi nhận dòng tiền khả quan khi lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ dương tới 1.948 tỷ đồng. Nhờ đó, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ trở dương với 743 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm 178 tỷ đồng.
Vinachem lo luy ke hon 5.850 ty, Dam Ninh Binh va DAP so 2 khong co kha nang thanh toan
Điều đáng ngại ở Vinachem là vay nợ tài chính lên tới 21.971 tỷ 
Vay nợ tài chính lên tới 21.971 tỷ, nhiều khoản vay đã quá hạn thanh toán
Tại thời điểm 30/6/2021, tổng tài sản của Vinachem tăng thêm 1.463 tỷ lên 51.260 tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt và gửi ngân hàng chiếm khá với hơn 6.000 tỷ đồng; hàng tồn kho giảm xuống 7.858 tỷ đồng.
Tuy nhiên, điều đáng ngại ở Vinachem là vay nợ tài chính lên tới 21.971 tỷ, giảm không đáng kể so đầu kỳ. 
Trong đó có một số khoản vay ngân hàng đã quá hạn thanh toán, trong đó số dư nợ gốc quá hạn là 1.795 tỷ đồng và lãi quá hạn, lãi phạt chậm nộp tương ứng 924 tỷ đồng.
Các khoản vay này là Vinachem cho công ty con là Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình vay lại nhưng đơn vị này không trả được nợ vay. Tài sản đảm bảo cho khoản vay là nhà máy sản xuất phân đạm từ than cám công suất 560.000 tấn ure/năm đã tạm bàn giao cho Đạm Ninh Bình quản lý, vận hành từ năm 2012 nhưng chưa được phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành. 
Cùng với đó là hàng loạt vấn đề tại dự án của Vinachem như khai thác và chế biến muối mỏ tại Lào đã dừng triển khai và đang thực hiện thanh lý; dự án nhà máy sản xuất phân đạm từ than cám, dự án xây dựng công trình nhà máy sản xuất phân bón diamon Photphat (DAP) số 2 và dự án mở rộng nhà máy phân đạm Hà Bắc đã tạm bàn giao đưa vào sử dụng nhưng đến nay chưa được quyết toán hoàn thành nên có thể phát sinh các công nợ với nhà thầu, dự án hoạt động không hiệu quả; Đạm Ninh Bình, DAP số 2-Vinachem là các công ty con của Vinachem chưa xử lý hết các tồn tại theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước và Bộ Công Thương. 
Ngoài ra, Đạm Ninh Bình, DAP số 2-Vinachem không có khả năng thanh toán toàn bộ nợ vay và lãi đến hạn.
Cụ thể, tại thời điểm 30/6/2021, Đạm Ninh Bình có nợ ngắn hạn tới 11.511 tỷ, trong khi tài sản ngắn hạn vỏn vẹn 1.607 tỷ; lỗ luỹ kế tới 7.986 tỷ đồng. Riêng 6 tháng 2021, Đạm Ninh Bình vẫn lỗ ròng 507 tỷ đồng, lỗ luỹ kế vượt vốn 5.672 tỷ đồng.
Với dự án DAP số 2 - Vinachem, một số khoản vay đã quá hạn thanh toán, trong đó số dư nợ gốc quá hạn là 1.876 tỷ và lãi quá hạn, lãi phạt chậm nộp 1.960 tỷ đồng.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN