2022 là năm đầu tiên Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) hoạt động dưới sự điều hành của thế hệ lãnh đạo mới. Đại tá Tào Đức Thắng được giao nhiệm vụ Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn; lãnh đạo chỉ huy các đơn vị được bổ sung nhiều cán bộ trẻ.
Năm 2022, Viettel đạt doanh thu hợp nhất 163,8 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 6% so năm trước. Đóng góp vào tăng trưởng toàn diện của Viettel đến từ tất cả các lĩnh vực như viễn thông, đầu tư nước ngoài, công nghệ chuyển đổi số, và sản xuất công nghiệp công nghệ cao.
Viettel ghi nhận lợi nhuận trước thuế lên tới 43,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2021; nộp ngân sách nhà nước 38 nghìn tỷ đồng tương đương đóng góp năm 2019 – trước đại dịch Covid của Tập đoàn.
Nguồn doanh thu chủ lực từ viễn thông được Viettel duy trì khi tiếp tục giữ vững vị trí nhà cung cấp dịch vụ viễn thông di động số 1 Việt Nam với 54% thị phần. Tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ viễn thông Viettel bằng 1,5 lần trung bình ngành trên thế giới.
Hoạt động đầu tư nước ngoài của Viettel lần đầu tiên doanh thu dịch vụ đạt gần 3 tỷ USD (khoảng hơn 70.000 tỷ đồng) – tương đương với viễn thông trong nước, đóng góp 50% doanh thu dịch vụ viễn thông. Nguồn ngoại tệ chuyển về nước trong năm 2022 lên tới gần 500 triệu USD - cao nhất trong 5 năm vừa qua. Lũy kế đến nay, Viettel đã chuyển về nước gần 70% tổng số tiền đầu tư nước ngoài.
Lĩnh vực giải pháp và dịch vụ số thể hiện sự bứt phá, doanh thu từ các giải pháp CNTT tăng trưởng 58%. Thuê bao Viettel Money phát triển mới tăng gấp 6 lần so với các năm, vượt mốc 5 triệu thuê bao.
Cùng với việc tiếp tục chuyển đổi số cho các ngành giáo dục, y tế, giao thông, Viettel đã triển khai trung tâm điều hành thông minh (IOC) cho chính quyền 35 tỉnh/thành phố, xây dựng trung tâm giám sát an toàn thông tin (SOC) cho 20 tỉnh/thành phố.
Lĩnh vực an ninh quốc phòng, Viện hàng không Vũ trụ Viettel ghi nhận doanh thu trên 1.000 tỷ đồng.