Theo đó, trong quý 2/2021, Vietravel ghi nhận doanh thu thuần 333 tỷ đồng, tăng 62% so cùng kỳ. Tuy nhiên giá vốn hàng bán chiếm cao hơn tới 428 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp của công ty âm 95 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn có lãi 5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Vietravel còn gánh nặng chi phí lãi vay với 30 tỷ đồng trong tổng 50 tỷ chi phí tài chính; chi phí bán hàng cũng tăng vọt gấp 27 lần lên 62 tỷ đồng; chi phí quản lý cũng tăng 34% khi chiếm 47 tỷ đồng.
Sau cùng, Vietravel lỗ ròng 217 tỷ đồng, cao hơn mức lỗ 38 tỷ của cùng kỳ.
Luỹ kế 6 tháng, doanh thu cũng sụt giảm mạnh về mức 609 tỷ đồng. Vietravel tiếp tục kinh doanh dưới giá vốn nên lỗ gộp 89 tỷ đồng. Sau khi trừ các loại chi phí, công ty lỗ ròng 290 tỷ đồng, gấp 3,6 lần cùng kỳ.
Chưa dừng lại ở đó, đối với báo cáo soát xét, doanh thu 6 tháng của Vietravel chỉ đạt 546 tỷ đồng và lỗ ròng 293 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/6/2021, vay nợ tài chính ngắn hạn của Vietravel lên tới 1.191 tỷ đồng và dài hạn là 17 tỷ đồng.
Tại báo cáo này, đơn vị kiểm toán nhấn mạnh, về khả năng hoạt động liên tục của Vietravel. Cụ thể, 6 tháng 2021 công ty lỗ ròng 293 tỷ, nâng lỗ luỹ kế lên 326 tỷ đồng vượt cả vốn góp của chủ sở hữu 118 tỷ đồng.
Đồng thời, tại ngày này nợ ngắn hạn của công ty đã vượt hơn tài sản ngắn hạn 456 tỷ đồng. Các yếu tố này có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của công ty.
Theo Vietravel, hiện công ty đã hoàn thành nghĩa vụ thanh toán các trái phiếu thường đến hạn với số tiền gốc và lãi lần lượt là 700 tỷ và 58 tỷ đồng. Công ty cũng đã đạt được thoả thuận về gia hạn nợ và cơ cấu lại thời hạn trả nợ các khoản vay với các ngân hàng.
Ngoài ra, công ty cũng đang có nhiều kế hoạch thu hút vốn hoạt động bằng việc phát hành trái phiếu, tăng vốn điều lệ.
Đồng thời, công ty cũng đang thương lượng với các đối tác có tiềm lực tài chính tham gia đầu tư vào Công ty TNHH Hàng không Lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines). Do vậy báo cáo tài chính này được lập dự trên giả thiết hoạt động liên tục.