Báo cáo nêu rõ công ty thực hiện trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho dựa trên cơ sở ước tính giá trị hàng hóa có thể thu hồi theo biên bản lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho đối với vàng và hàng nữ trang tại ngày 31/12/2023 do công ty tự đánh giá. Bằng những tài liệu công ty cung cấp, kiểm toán viên không có cơ sở để xác định tính đúng đắn của khoản dự phòng giảm giá với số tiền lũy kế tính đến cuối năm 2023 là gần 84 tỷ đồng (số cuối kỳ trước 25,9 tỷ, số tiền hoàn nhập 10,7 tỷ đồng và số trích lập dự phòng trong năm 68,7 tỷ đồng).
Do vậy, kiểm toán viên không đủ cơ sở để xác minh ảnh hưởng (nếu có) của vấn đề trên bảng cân đối kế toán ngày 31/12/2023 cũng như báo cáo kết quả kinh doanh và lưu chuyển tiền tệ.
Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C là đơn vị kiểm toán cho báo cáo tài chính của Vàng SJC từ nhiều năm nay. Năm 2023 không phải là năm đầu tiên đơn vị này có các ý kiến ngoại trừ liên quan đến cách Vàng SJC trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho.
Tại BCTC kiểm toán năm 2017 và 2018, Vàng SJC từng ghi nhận ý kiến ngoại trừ của A&C liên quan đến đánh giá lại giá trị hàng tồn kho. Như năm 2017, kiểm toán cho rằng công ty đánh giá lại giá trị vàng tồn kho thực tế trên thị trường vàng trong nước và ghi nhận trực tiếp vào giá trị hàng tồn kho thay vì ghi nhận vào chỉ tiêu giảm giá hàng tồn kho.
Năm 2018, kiểm toán cho biết công ty đánh giá lại giá trị vàng tồn kho theo giá vàng được quy đổi từ giá vàng trong nước có xem xét đến xu hướng biến động dự kiến. Chênh lệch tăng, giảm được ghi nhận trực tiếp vào giá trị vàng tồn kho. Việc ghi nhận như vậy là không tuân thủ các Chuẩn mực Kế toán Việt Nam và Chế độ Kế toán doanh nghiệp Việt Nam hiện hành.
Theo thuyết minh, vào 2017 - 2018, tại cuối mỗi kỳ kế toán, công ty đánh giá lại giá trị vàng tồn kho theo giá vàng được quy đổi từ giá vàng trong nước có xem xét đến xu hướng biến động dự kiến. Dự phòng giảm giá hàng tồn kho được lập cho từng mặt hàng tồn kho có giá trị gốc lớn hơn giá trị thuần có thể thực hiện được. Tuy nhiên, đến 2019, công ty thay đổi cách đánh giá lại hàng tồn kho theo hướng xác định giá trị vàng tồn kho theo giá vàng bình quân gia quyền của vàng nhập trong tháng, thay đổi này tiếp tục được duy trì cho 2023.
Sau thay đổi, trong 4 năm liên tiếp (2019 – 2022), BCTC của Vàng SJC không có ý kiến ngoại trừ của đơn vị kiểm toán về hàng tồn kho.
Trong cơ cấu tài sản của Vàng SJC, hàng tồn kho chiếm tỷ trọng chủ yếu lên đến 60 - 70% nên việc đánh giá lại giá trị hàng tồn kho có ảnh hưởng trọng yếu. Tại cuối năm 2023, công ty có tổng tài sản 1.898 tỷ đồng, riêng hàng tồn kho 1.363 tỷ đồng, tỷ trọng 72%.
Biên lợi nhuận mỏng
Về kết quả hoạt động kinh doanh, Vàng SJC ghi nhận doanh thu 28.408 tỷ đồng, tăng 4,6% so với 2022 và là mức cao nhất trong vòng 11 năm. Lợi nhuận sau thuế 61 tỷ đồng, tăng 24,5%.
Biên lợi nhuận mỏng chỉ 0,8%, giảm so với mức 0,9% của cùng kỳ năm trước. Việc được hoàn nhập chi phí tài chính là yếu tố chính giúp lợi nhuận ròng tăng trưởng. Năm 2023, công ty được hoàn nhập 10,6 tỷ đồng trong khi năm trước nữa phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh và tổn thất đầu tư gần 40 tỷ đồng.
Năm nay, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu 30.145 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 70,2 tỷ đồng. Bên cạnh mảng cốt lõi sản xuất và kinh doanh nữ trang, công ty sẽ cho ra mắt thêm sản phẩm mới được chế tác từ trầm hương, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đồng hồ và kính mắt. Doanh nghiệp kết hợp với công ty du lịch, lữ hành áp dụng mô hình kinh doanh mới, mở rộng chuỗi sản phẩm thương hiệu SJC đến du khách trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, công ty mới khai trương cửa hàng cho thuê trang sức đầu tiên tại TP.HCM. Cửa hàng còn cung cấp dịch vụ cho thuê trang sức cưới mạ vàng giúp mỗi cô dâu trở thành người tỏa sáng nhất trong ngày trọng đại.