“Cú đấm thép” nào cho chế biến nông sản
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Sáng 21/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến “Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” nhằm đánh giá thực trạng, xác định giải pháp, cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và cơ giới hóa trong nông nghiệp.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và một số bộ, ngành, Thủ tướng thắng thắn cho rằng “nếu cứ đọc thì ít người nghe và không mang tính thảo luận nhiều”. Do đó, Thủ tướng đề nghị các tập đoàn, doanh nghiệp phát biểu trước, nêu rõ các tồn tại, khó khăn, nhất là vướng mắc về cơ chế chính sách.
“Thời gian qua, chúng ta ban hành nhiều chính sách cho lĩnh vực này nhưng chưa tập trung, vậy từ Hội nghị hôm nay, Nhà nước cần tập trung vào chính sách nào được coi là 'cú đấm thép' của Nhà nước để tháo gỡ vướng mắc, phát triển công nghiệp cơ giới hóa và chế biến nông sản tốt hơn nữa”, Thủ tướng nói.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường
Từ thực tiễn sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, doanh nghiệp đã thành công, Thủ tướng mong muốn được nghe các ý kiến góp ý về các tồn tại, vướng mắc để hình thành tư duy chính sách tháo gỡ sát thực. Thủ tướng cũng đề nghị các đại biểu nói ngay vào các điểm then chốt, các chính sách cần tập trung tháo gỡ...
Thủ tướng cũng chỉ ra một nghịch lý trong phát triển nông nghiệp hiện nay là xuất khẩu quan tâm, nhưng lại không quan tâm đến thị trường nội địa, trong khi thị trường có đến trăm triệu dân. “Không lo thị trường trong nước là thiếu trách nhiệm với dân. Đừng để đến lúc có tình hình lộn xộn, nháo nhào hết cả lên. Thị trường lớn thì cần phải quan tâm”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Nói thái quá việc “giải cứu” làm mất nhuệ khí kinh doanh
Thảo luận hội nghị, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco Trường Hải cho rằng, nông nghiệp Việt Nam cần phải dựa trên nền tảng công nghệ hữu cơ. Nền nông nghiệp hiện nay bị vô cơ hóa quá nặng, đời sống sinh hoạt của sản phẩm nông nghiệp thấp. Nhưng muốn làm thế thì phải có doanh nghiệp đầu đàn và khi làm được rồi thì phải đưa nông dân vào chuỗi giá trị liên kết.
Đề câp đến câu chuyện truyền thông “giải cứu” sản phẩm nông nghiệp, ông Trần Bá Dương cho rằng không nên nói thái quá, dẫn đến nông nghiệp bị coi là nghèo nàn, thấp kém. “Tôi rất đồng tình với tình “tương thân, tương ái”, song vừa rồi có một số tổ chức “giải cứu” sản phẩm nhưng lại nói thái quá, khiến chúng tôi làm kinh doanh trong lĩnh vực này chạnh lòng”, ông Dương chia sẻ.
Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương
Nhấn mạnh, làm kinh doanh mà cứ phải chờ giải cứu thì đâu phải kinh doanh, ông Dương cho rằng nông dân cần phải tham gia vào chuỗi kinh doanh theo cơ chế thị trường. Ông cũng bày tỏ mong muốn các tổ chức xã hôi đừng nói quá việc sản phẩm đổ đầy đường, rồi “giải cứu”, vì điều đó làm mất đi nhuệ khí, thậm chí mất đi trạng thái tự do, tinh thần tự do của nền kinh tế thị trường.
Theo ông Dương, khi nông dân có ý thức về tham gia vào chuỗi kinh tế thị trường thì các doanh nghiệp đương nhiên phải bảo vệ đối tác. “Ví dụ như nông dân nằm trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp thì chúng tôi sẽ bảo vệ”, ông Dương khẳng định.
Chia sẻ thêm, ông Dương kể, khi doanh nghiệp “bắt tay” vào làm nông nghiệp, các ngân hàng rất lo, vì người ta nghe rất nhiều về nông nghiệp rủi ro. Nhưng tôi nghĩ, nếu chúng ta làm khác đi thì sẽ không có rủi ro và đảm bảo nông nghiệp là ngành chủ lực của đất nước và có những đóng góp to lớn cho nền kinh tế. “Ngân hàng nên đồng hành với các doanh nghiệp tham gia vào sản xuất nông nghiệp. Bất cập còn nhiều nhưng không vì bất cập mà coi nhẹ ngành sản xuất nông nghiệp”, Chủ tịch Thaco nói.