TMS Luxury Đà Nẵng liên tục “đầu độc” môi trường biển
Codotel TMS Luxury Đà Nẵng có địa chỉ tại lô A3, đường Võ Nguyên Giáp, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng là một trong những dự án khách sạn nghỉ dưỡng được quảng cáo là 5 sao, đạt chuẩn quốc tế, nhưng lại liên tục dính sai phạm do “đầu độc” môi trường biển.
Cụ thể, trong năm 2019, TMS Luxury Đà Nẵng bị Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thành phố Đà Nẵng xử phạt hành chính số tiền 70 triệu đồng vì không thực hiện đúng nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường ĐTM và các yêu cầu trong quyết định phê duyệt ĐTM.
Bên cạnh quyết định xử phạt hành chính, Thanh tra Sở TN&MT buộc TMS Luxury Đà Nẵng phải có biện pháp khắc phục hậu quả, cải tạo hệ thống xử lý nước thải với công nghệ, công suất xử lý đúng với ĐTM đã được phê duyệt.
Trước đó, ngày 10/8/2018, Chủ đầu tư của TMS Luxury Đà Nẵng cũng bị phát hiện tự ý xả thải vào hệ thống thoát nước công cộng khi chưa được cơ quan chức năng cho phép. Hành vi này bị Thanh tra Sở Xây dựng Đà Nẵng phạt 6 triệu đồng.
Trong năm 2018, Chủ đầu tư dự án TMS Luxury Đà Nẵng còn bị các cơ quan chức năng Đà Nẵng xử phạt hành chính số tiền 40 triệu đồng vì thi công công trình khách sạn TMS Luxury sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp.
Cụ thể, chủ đầu tư đã xây dựng thêm 1 phòng điều hành xử lý nước thải tại tầng hầm B2; khu gym và spa ở tầng 13 có sự thay đổi và bổ sung thêm lô gia; xây dựng tăng thêm 10 phòng (1 phòng/tầng) ở tầng từ 14-23; mở rộng khu vực hồ bơi và vươn thêm 2m ở tầng 24…
|
TMS Luxury Đà Nẵng, dự án condotel tai tiếng "đầu độc" môi trường biển. |
“Ông chủ” TMS Luxury Đà Nẵng đầy sai phạm là ai?
Theo tìm hiểu của PV Kiến Thức, chủ đầu tư TMS Luxury Đà Nẵng là Công ty cổ phần TMS Hotel Đà Nẵng thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn TMS (TMS Group) do ông Nguyễn Bá Luận làm Chủ tịch hội đồng quản trị.
Thông tin trên websiter tmsgroup.vn cho biết, tiền thân của Công ty cổ phần Tập đoàn TMS (TMS Group) là Công ty cổ phần Quốc tế Thái Minh được thành lập năm 2004.
Tập đoàn TMS còn được biết đến với bề dày hàng chục năm phát triển thương hiệu trong các lĩnh vực như cung ứng nhân lực quốc tế, giáo dục đào tạo và du học, bất động sản.
|
Ông Nguyễn Bá Luận làm Chủ tịch hội đồng quản trị TMS Group. (Ảnh:tmsgroup.vn). |
Hiện nay, TMS Group đang tập trung đầu tư xây dựng vào phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp tại Đà Nẵng, Quy Nhơn, Phú Yên, Nghệ An,… và bất động sản thương mại Vĩnh Phúc, Quy Nhơn, Nghệ An.
TMS Group giới thiệu có hơn 6.000 nhân sự, hệ thống các Công ty thành viên và các văn phòng đại diện trải rộng khắp trong nước và quốc tế, bao gồm Australia, Nhật Bản. Trong tương lai, Tập đoàn TMS dự kiến mở rộng thêm nhiều văn phòng đại diện tại các quốc gia có nền kinh tế phát triển như Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore.
TMS Luxury Đà Nẵng có được cấp “sổ hồng” condotel khi đầy sai phạm?
Trên một số trang mua bán bất động hiện đang giới thiệu, TMS Luxury Đà Nẵng là nơi hội tụ tinh hoa kiến trúc của thế giới, tựa như mảnh ghép còn thiếu trên bức thi họa thiên nhiên mê hồn của xứ sở Đà Nẵng. Với chuỗi căn hộ condotel linh hoạt và phòng khách sạn cao cấp, dự án hứa hẹn mang lại không gian nghỉ dưỡng lý tưởng cùng với những cơ hội sinh lời tối ưu?
Tuy nhiên, nhìn nhận từ thực tế ai cũng thấy rõ TMS Luxury Đà Nẵng là một trong những dự án khách sạn nghỉ dưỡng đầy tai tiếng trong “làng” condotel.
Điểm đáng chú ý nữa là mới đây, Bộ TN&MT vừa có văn bản 703/BTNMT-TCQLĐĐ hướng dẫn giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu căn hộ du lịch, biệt thự du lịch (condotel) cho các khách hàng (các nhà đầu tư giới thứ cấp) tại các dự án du lịch nghỉ dưỡng.
Theo đó, văn bản của Bộ Tài nguyên Môi trường xác định các dự án du lịch nghỉ dưỡng sử dụng đất vào mục đích kinh doanh dịch vụ thuộc loại đất thương mại, dịch vụ.
Hai là Nhà nước cho các tổ chức thuê đất để sử dụng vào mục đích đất thương mại, dịch vụ trên cơ sở dự án đầu tư hoặc có đơn xin thuê đất, với thời hạn thuê đất không quá 50 năm, trường hợp đặc biệt không quá 70 năm; khi hết hạn thì được xem xét gia hạn nếu có nhu cầu.
Ba là Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức rà soát các dự án đầu tư du lịch nghỉ dưỡng đã được phê duyệt, để xác định các trường hợp đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, theo trình tự, thủ tục, hồ sơ quy định của pháp luật về đất đai cho người nhận chuyển nhượng căn hộ du lịch, biệt thự du lịch tại các dự án du lịch nghỉ dưỡng.
Từ những điều kiện của văn bản hướng dẫn của Bộ TN&MT, với đầy rẫy sai phạm tại dự án TMS Luxury Đà Nẵng, dư luận đặt ra câu hỏi: TMS Luxury Đà Nẵng của ông Nguyễn Bá Luận có được cấp “sổ hồng” condotel khi đầy sai phạm?
TMS Luxury Đà Nẵng hứa trả lãi 10%, khách có nên xuống tiền?
Giống như các dự án condotel khác, chủ đầu tư TMS Luxury Đà Nẵng cũng đưa ra bài toán lợi nhuận hấp dẫn để “câu kéo” khách hàng.
Cụ thể, TMS Luxury Đà Nẵng chào giá từ 2 tỷ/căn nội thất 5 sao theo tiêu chuẩn quốc tế. Dự án cam kết lợi nhuận 10% trong 10 năm, từ năm thứ 11 khách hàng được hưởng 85% lợi nhuận từ hoạt động cho thuê?
TMS Luxury Đà Nẵng cam kết lợi nhuận 10% là vậy, song chắc hẳn dư luận vẫn chưa thể quên cú “sốc” condotel Cocobay Đà Nẵng do Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển và Xây dựng Thành Đô (Tập đoàn Empire) làm chủ đầu tư, “vỡ trận” cam kết lợi nhuận - không thực hiện được việc chi trả lợi nhuận cam kết lên tới 12%/năm như đã ký với khách hàng - vào tháng 11 năm ngoái.
|
Codotel TMS Luxury Đà Nẵng chào bán chỉ từ 2 tỷ đồng/căn. |
|
TMS Luxury Đà Nẵng hứa trả lãi 10%, nhưng sau cú "sốc" Cocobay Đà Nẵng “vỡ trận” cam kết lợi nhuận, nhiều người cho rằng nên thận trọng khi xuống tiền tại dự án TMS Luxury Đà Nẵng. |
Một điểm đáng chú ý là trước khi Cocobay Đà Nẵng “vỡ trận”, ông Nguyễn Đức Thành - Chủ tịch HĐQT Empire Group từng tuyên bố hùng hồn với báo giới rằng Empire Group tiếp tục làm 5 cái Cocobay nữa trên toàn Việt Nam và Tập đoàn đã chuẩn bị xong kế hoạch, vấn đề chỉ là thời gian. Trong đó, mục tiêu Cocobay được định vị là tổ hợp giải trí hàng đầu Đông Nam Á, điểm đến của thế giới sẽ được điều chỉnh thành tổ hợp giải trí hàng đầu Việt Nam, điểm đến của thế giới.
Từng chia sẻ với PV Kiến Thức về loại hình condotel, luật sư Hoàng Tùng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, hiện nay pháp luật chưa có văn bản nào quy định cụ thể. Do đó, đây là một loại hình đầu tư mới, kéo theo cũng nhiều rủi ro cho người dân (người mua). Các cơ quan chức năng cũng rất lúng túng trong việc xử lý và quản lý.
Theo luật sư Tùng, hiện quyền sở hữu condotel cơ bản thuộc về chủ đầu tư, người dân tham gia ký kết không được đứng tên chủ sử hữu. Nếu người dân muốn đứng tên chủ sở hữu thì sẽ cấp theo quy định về nhà chung cư (căn hộ chung cư). Nhưng làm như vậy sẽ lại quay lại bài toán mà chủ đầu tư đã đưa ra cho người dân ban đầu. Hoặc là chi tiền thêm để chuyển đổi và sang tên thành căn hộ chung cư, hoặc là thỏa thuận lại với chủ đầu tư.
Vị luật sư khuyến cáo, những cá nhân hoặc tổ chức đang hoặc có ý định kinh doanh loại hình condotel (không phải chủ đầu tư) cần xem xét và cân nhắc kỹ lựa chọn và giải pháp sao cho phù hợp mới xuống tiền.