TNG làm ăn thế nào khi bị phạt vì 'bố làm Chủ tịch, con làm Tổng Giám đốc'?

Theo quy định của Luật doanh nghiệp, đối với công ty đại chúng, Tổng giám đốc không được là người có quan hệ gia đình với Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Ngày 27/12/2024 Công ty cổ phần đầu tư và thương mại TNG ( HNX: TNG) cho biết đã nhận được Quyết định số 75/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính của Sở Kế hoạch và Đầu tư Tỉnh Thái Nguyên do công ty chưa đảm bảo điều kiện theo quy định tại điểm b, khoản 5 Điều 162 Luật Doanh nghiệp.
Quyết định nêu rõ, TNG đã có hành vi vi phạm hành chính khi bổ nhiệm tổng giám đốc ông Nguyễn Đức Mạnh có quan hệ gia đình với người quản lý doanh nghiệp là chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Thời.
Thanh tra Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên khẳng định việc bổ nhiệm này chưa đảm bảo điều kiện theo quy định tại điểm b khoản 5 điều 162 Luật Doanh nghiệp.
Theo quy định của Luật doanh nghiệp, đối với công ty đại chúng, Tổng giám đốc không được là người có quan hệ gia đình với Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Với vi phạm nêu trên, TNG phải nộp phạt 25 triệu đồng, đồng thời bị buộc phải miễn nhiệm chức danh tổng giám đốc công ty đối với ông Nguyễn Đức Mạnh. Thời hạn thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định.
TNG lam an the nao khi bi phat vi 'bo lam Chu tich, con lam Tong Giam doc'?
Ảnh minh họa 
Theo báo cáo quản trị của TNG, ông Nguyễn Đức Mạnh là con ruột ông Nguyễn Văn Thời. Ông Thời còn có một người con khác là Nguyễn Mạnh Linh, là thành viên hội đồng quản trị TNG.
Được biết, ông Nguyễn Đức Mạnh được bổ nhiệm vào vị trí Tổng Giám đốc vào tháng 5/2023, đồng thời vị này còn nắm giữ chức vụ Ủy viên HĐQT TNG. Tại thời điểm tháng 11/2024, ông Mạnh nắm giữ hơn 9,8 triệu CP TNG (tỷ lệ 8,01%).
Trong một diễn biến khác, TNG vừa thông báo sẽ chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức đợt 3/2024 vào ngày 14/1/2025 tới đây.
Theo đó, Dệt may TNG dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 4%, tương ứng cổ đông sở hữu 01 cổ phiếu TNG sẽ được nhận 400 đồng cổ tức. Ngày thanh toán cổ tức dự kiến là 22/01/2025 (tức ngày 23 tháng Chạp).
Với 122,6 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính Dệt may TNG sẽ cần phải chi ra 49 tỷ đồng cho đợt chia cổ tức lần này.
Về tình hình kinh doanh, TNG ghi nhận quý thứ 2 liên tiếp có mức lợi nhuận tăng trưởng hơn 54%. Cụ thể, doanh thu thuần quý 3/2024 của TNG nối tiếp đà tăng trưởng quý thứ 15 liên tiếp với 2.357,6 tỷ đồng (+12% so cùng kỳ). Lãi ròng đạt 111,1 tỷ đồng (+59,9% so cùng kỳ).
Lũy kế 9 tháng năm 2024, cả 2 chỉ tiêu này lần lượt đạt 5.884,5 tỷ đồng (+8,2% so cùng kỳ) và 241 tỷ đồng (+41,6% so cùng kỳ). Biên lãi gộp đạt 15,3%, tăng 2 điểm phần trăm nhờ tỷ lệ GVHB/DTT giảm về mức 84,6% so với mức 86,6% cùng kỳ do công ty thực hiện nhiều biện pháp cải tiến quy trình sản xuất và quản lý, giúp tối ưu chi phí nguyên vật liệu và chi phí sản xuất. 
Tại 30/09/2024, tổng tài sản của TNG là 5.256,7 tỷ đồng (+2,1% so với đầu năm), tuy nhiên khoản mục tiền và các khoản tiền gửi chỉ chiếm 5,8% tổng tài sản đạt 304 tỷ đồng, trong xu hướng giảm 3 kỳ liên tiếp nhưng lại tăng +1,9% so với đầu kỳ do tăng khoản nắm giữ đến ngày đáo hạn là 45 tỷ đồng (gấp 3 lần).
Khoản phải thu ngắn hạn tăng đáng kể so với đầu năm lên mức 912,4 tỷ đồng (+22,4% so với đầu năm, chiếm 17,4% tổng tài sản) do tăng phải thu ngắn hạn của khách hàng +21,9% lên mức 852,5 tỷ đồng. Công ty đã trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi là 4,6 tỷ đồng.
Chứng khoán ABS nhận thấy khoản phải thu có xu hướng tăng đột biến trong quý 2 và quý 3 hàng kỳ sau đó giảm trở lại vào quý 4 và quý 1 do TNG đẩy bán hàng mạnh mẽ phục vụ cho dịp cuối năm do đó không gây rủi ro cho dòng tiền của doanh nghiệp. Ngoài ra số ngày khoản phải thu trung bình duy trì quanh 145 ngày, chỉ số CFO luôn dương trong 6 năm trở lại đây, Q3/2024 đạt 506 tỷ đồng, lũy kế 9T2024 đạt 246,2 tỷ đồng.
Hàng tồn kho chiếm 17% tổng tài sản, đạt 914,6 tỷ đồng (-34,8% so với đầu kỳ). Điều này hợp lý do lĩnh vực kinh doanh chính là sản xuất hàng dệt may, lượng hàng tồn kho thường tăng cao ở 2 quý đầu năm nhằm chuẩn bị cho các đơn hàng cuối năm là các dịp lễ. Ngoài ra, số ngày tồn kho bình quân của TNG cũng được cải thiện, xuống còn 206 ngày, giảm 18 ngày so cùng kỳ cho thấy các đơn hàng của công ty hoạt động hiệu quả.
Tổng nợ vay của TNG tính đến 30/09/2024 là 2.453 tỷ đồng (-6,7% so với đầu kỳ, chiếm 46,7% tổng nguồn vốn) trong đó nợ vay ngắn hạn chiếm phần lớn tổng nợ vay là 1.705,7 tỷ đồng (-6,2% so với đầu kỳ) chủ yếu để bổ sung vốn lưu động, tài trợ cho hoạt động sản xuất.
Chứng khoán ABS lưu ý mặc dù công ty ghi nhận tổng nợ vay ở mức cao, chiếm 46,7% tổng nguồn vốn tuy nhiên khoản mục này đang trong xu hướng giảm dần, tỷ lệ D/E đạng ở mức thấp kỉ lục với 1,31 lần. Việc nợ vay giảm đang giúp TNG giảm chi phí lãi vay, cải thiện lợi nhuận. Chứng khoán ABS đánh giá sức khỏe tài chính của TNG tương đối tốt với dòng tiền CFO ở mức dương trong 6 năm qua. Số ngày phải thu và số ngày hàng tồn kho duy trì ở mức ổn định với mức độ rủi ro thấp.
Minh Vy

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN