Thương hiệu vang bóng một thời Halico lỗ luỹ kế gần 500 tỷ đồng

Halico báo lỗ ròng hơn 4 tỷ đồng trong quý 3/2021, thấp hơn mức lỗ 5,5 tỷ đồng so cùng kỳ. Đây là quý lỗ thứ 18 liên tiếp công ty chìm trong thua lỗ.
CTCP Rượu và Nước giải khát Hà Nội (Halico, HNR) công bố báo cáo tài chính quý 3/2021 với doanh thu thuần sụt giảm 41% so cùng kỳ về mức 13,7 tỷ đồng.
Giá vốn chiếm tới gần 11,8 tỷ đồng khiến Halico báo lãi gộp chỉ gần 2 tỷ đồng, giảm 50% so cùng kỳ. 
Sau khi trừ các loại chi phí, Halico báo lỗ ròng hơn 4 tỷ đồng, thấp hơn mức lỗ 5,5 tỷ đồng của cùng kỳ, theo đó đây là quý lỗ thứ 18 liên tiếp công ty chìm trong thua lỗ.
Luỹ kế 9 tháng, doanh thu thuần của Halico giảm về còn 67 tỷ đồng. Thu không đủ bủ chi khiến Halico tiếp tục lỗ gần 18 tỷ trong 6 tháng đầu năm, thấp hơn mức lỗ 20,7 tỷ của cùng kỳ.
Với mức lỗ này, nâng lỗ luỹ kế của công ty lên hơn 462 tỷ đồng tại thời điểm 30/9/2021, tức lỗ đã vượt hơn gấp đôi vốn góp chủ sở hữu nhưng nhờ quỹ đầu tư phát triển hơn 613 tỷ đồng nên vốn chủ sở hữu chưa âm.
Thuong hieu vang bong mot thoi Halico lo luy ke gan 500 ty dong
 
Tại thời điểm 30/9, tổng tài sản của Halico giảm xuống mức 373 tỷ đồng, trong đó tiền và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn chiếm 124 tỷ đồng, hàng tồn kho gần 79 tỷ đồng. Hiện Halico không vay nợ tài chính.
Halico có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, trong đó Habeco chiếm chủ yếu với 54,29%, Streecar Investment Holding nắm giữ 45,57%.
Halico từng là một thế lực lớn trong thị trường đồ uống có cồn ở Việt Nam, là ông chủ thương hiệu Vodka Hà Nội nổi tiếng. Halico tiền thân là nhà máy rượu Hà Nội, được thành lập năm 1898 tại số 94 Lò Đúc.
Nhà máy được chuyển thành Công ty TNHH MTV Rượu Hà Nội từ năm 2004 và cổ phần hoá sau đó không lâu với vốn điều lệ ban đầu gần 50 tỷ đồng.
Bước ngoặt lớn nhất trong lịch sử gần 120 năm hoạt động của Halico là ký hợp đồng đối tác chiến lược với Diageo vào năm 2011. Tập đoàn này thông qua một công ty con chi gần 2.000 tỷ đồng để nắm giữ 30% vốn cổ phần và nâng lên 45,57% sau đó. Phần vốn còn lại thuộc sở hữu của Tổng công ty cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) và một số cổ đông cá nhân.
Sự hiện diện của hai "ông lớn" trong danh sách cổ đông được kỳ vọng sẽ mang đến làn gió mới, giúp công ty cải thiện năng lực quản trị và mở rộng hệ thống phân phối.
Tuy nhiên, những số liệu tài chính lại cho thấy chiều ngược lại. Lợi nhuận doanh nghiệp sở hữu thương hiệu Nếp mới, Vodka Hà Nội... "lao dốc" kể từ năm 2010 và không có sự tiến triển bất chấp sự góp mặt của hai cổ đông lớn.
Ngoại trừ năm 2012, lợi nhuận tăng vọt nhờ tiền đền bù di dời nhà máy từ Hà Nội sang Bắc Ninh, những năm còn lại chỉ một chiều đi xuống. Halico lần đầu báo lỗ năm 2015 và tăng dần những năm sau đó.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN