Theo đó, SIP dự kiến phát hành 90,9 triệu cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ lên gấp đôi từ 909 tỷ lên 1.818 tỷ đồng.
Trong đó, SIP phát hành 40,9 triệu cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông tỷ lệ 45%, tương ứng cứ 100 quyền nhận thêm 45 cổ phiếu mới. Nguồn vốn phát hành từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 31/12/2022 theo báo cáo tài chính công ty mẹ năm 2022 đã kiểm toán.
Ngoài ra, SIP còn phát hành gần 50 triệu cổ phiếu thưởng tỷ lệ 55%, tức 100 quyền nhận thêm 55 cổ phiếu mới. Nguồn phát hành từ quỹ đầu tư phát triển tại ngày 31/12/2022. Thời gian phát hành dự kiến trong quý 3, 4/2023.
SIP vừa chuyển giao dịch từ sàn UPCoM sang niêm yết bên HoSE với ngày giao dịch đầu tiên là 8/8, đóng cửa tại mức 130.300 đồng/cp. Tuy nhiên sang phiên sáng nay 9/8, cổ phiếu SIP quay lại đỏ điểm về 129.300 đồng/cp trong phiên sáng, ghi nhận mức tăng 12% trong vòng 1 tháng qua.
Về kết quả kinh doanh quý 2/2023, SIP ghi nhận lợi nhuận riêng lẻ lên tới 305 tỷ đồng, tăng vọt 87% so cùng kỳ nhờ phát sinh lãi từ thoái vốn tại liên doanh liên kết.
Còn ở báo cáo hợp nhất, doanh thu quý 2 của SIP cũng ở mức cao với 1.663 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 237 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng, lãi ròng tăng lên 403 tỷ đồng.
Chứng khoán MBS đánh giá, SIP có tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn nhờ sở hữu quỹ đất thương phẩm lớn nhất khu vực TPHCM và Tây Ninh. SIP đang phát triển KCN Phước Đông 3 có diện tích 650 ha sẽ giúp công ty phát triển trong 10 năm tới.
Đồng thời, SIP sở hữu quỹ đất bất động sản nhà ở gần các KCN của công ty chưa khai thác.
Ngoài ra, công ty con VRG của SIP đã hoàn tất việc thoái vốn tại CTCP Xây dựng và Phát triển Thế hệ mới. Đây là nguồn lợi nhuận đột biến cho SIP trong năm 2023.