Chứng khoán VietCap (VCSC) vừa chia sẻ thông tin xung quanh cuộc gặp gỡ nhà đầu tư quý 2/2023 của Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (HoSE: PVD).
Theo đó, PVD dự báo thị trường giàn khoan toàn cầu sẽ tiếp tục đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn cung trong 3-5 năm tới trong bối cảnh nhu cầu phục hồi, từ đó hỗ trợ giá thuê ngày. Chỉ có 15 giàn khoan đang được đóng mới, dự kiến bàn giao vào cuối năm 2025. Ngoài các giàn khoan này, gần như không có đơn hàng đóng mới giàn khoan khác. Ngoài ra, việc đóng một giàn khoan mới mất khoảng 2 năm. Điều này tương ứng triển vọng tiếp tục thiếu nguồn cung giàn khoan.
Về đóng góp từ dự án Lô B, Ban lãnh đạo PVD cho biết, kết quả kinh doanh mảng khoan của PVD không phụ thuộc nhiều vào việc khoan cho dự án Lô B do PVD có nhiều cơ hội tại các nước Đông Nam Á khác cũng như các dự án trong nước khác ngoài dự án Lô B.
Đối với mảng dịch vụ liên quan đến giếng khoan, PVD kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận của mảng dịch vụ liên quan đến giếng khoan sẽ tăng 30%-40% so cùng kỳ trong năm 2025 nếu dự án Lô B được triển khai.
Về kết quả kinh doanh sơ bộ quý 3/2023, PVD ước tính lợi nhuận sau thuế sơ bộ từ hoạt động kinh doanh cốt lõi sẽ tương đương quý 2. VCSC ước tính lãi ròng cốt lõi quý 2/2023 của PVD là 3,8 triệu USD. VCSC lưu ý rằng PVD dự kiến sẽ nhận được số tiền còn lại từ việc chấm dứt hợp đồng với Valeura Energy (Thái Lan) trong quý 3.
PVD ước tính chi phí hoạt động của giàn khoan tự nâng (JU) bình quân tại thị trường trong nước thấp hơn 10%-15% so với thị trường quốc tế. Điều này củng cố giả định chi phí hoạt động giàn JU trung bình của VCSC là giảm lần lượt 1% và 3% so cùng kỳ vào năm 2024 và 2025. Điều này là do VCSC kỳ vọng một số giàn khoan của PVD sẽ quay trở lại Việt Nam sau khi kết thúc hợp đồng tại thị trường Đông Nam Á vào năm 2024.
PVD đang thực hiện nghiên cứu khả thi cho việc đầu tư giàn JU mới. Vốn xây dựng cơ bản và giá thuê ngày vẫn chưa được công bố.