Tình trạng tài chính bết bát, kế hoạch tham vọng khó thực thi
HAGL Agrico (HoSE: HNG) mới đây thông báo dừng thực hiện phát hành 741,4 triệu cổ phiếu tăng vốn lên 18.490 tỷ đồng để hoán đổi nợ và chào bán riêng lẻ. Nguyên nhân được HĐQT lý giải là do nhà đầu tư duy nhất Thagrico - thành viên Ôtô Trường Hải (Thaco) dừng đầu tư.
Theo kế hoạch, doanh nghiệp nông nghiệp sẽ chào bán 550 triệu cổ phiếu để hoán đổi nợ với Thagrico và chào bán riêng lẻ 191,4 triệu cổ phiếu huy động vốn cho việc thanh toán các khoản phải trả. Việc Thagrico dừng góp vốn ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cải thiện sức khỏe tài chính và các kế hoạch kinh doanh của HAGL Agrico.
Tại thời điểm 31/3, HAGL Agrico có khoản nợ phải trả 14.765 tỷ đồng, riêng vay ngắn hạn 7.925 tỷ đồng và vay dài hạn 3.780 tỷ đồng. Ngoài khoản vay Thagrico và Thilogi (thành viên Thaco) tổng cộng 5.940 tỷ đồng mà doanh nghiệp muốn phát hành cổ phần hoán đổi thì còn các chủ nợ lớn khác như HDBank, TPBank, BIDV và Sacombank. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có 962 tỷ đồng phải trả ngắn hạn khác với Thagrico, các công ty con, công ty có cùng thành viên HĐQT; 728 tỷ chi phí phải trả ngắn hạn gồm chi phí lãi vay, chi phí hoạt động, chi phí khác.
Doanh nghiệp nông nghiệp có tổng tài sản 23.489 tỷ đồng nhưng chỉ còn vỏn vẹn 69 tỷ đồng tiền tính đến cuối quý I. Khoản phải thu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng tài sản với 37% bao gồm 4.169 tỷ đồng phải thu ngắn hạn và 4.616 tỷ phải thu dài hạn. Riêng công nợ với Thagrico hơn 6.000 tỷ đồng cho hoạt động chuyển nhượng công ty con như Cao su Hoàng Anh Quang Minh, Bò sữa Tây Nguyên, Hoàng Anh Đắk Lắk và Cao su An Đông Mia.
Theo kế hoạch ban lãnh đạo trình cổ đông tại kỳ họp ĐHĐCĐ năm nay, nhu cầu đầu tư mới của HAGL Agrico dự kiến khoảng 1.024 tỷ đồng để trồng mới, chăm sóc vườn cây; sửa chữa, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, máy móc thiết bị và các công trình trên đất. Cụ thể, nhu cầu cho chăm sóc vườn cây ăn trái hiện hữu đi kèm với trồng mới 1.000 ha chuối tại Lào, 1.000 ha xoài keo tại Campuchia khoảng 500 tỷ đồng. Đầu tư chuồng trại, đồng cỏ chăn thả nuôi 8.000 con bò sinh sản trong giai đoạn 1 khoảng 450 tỷ đồng.
Tính đến tháng 1, tổng diện tích đất công ty sở hữu là 35.749 ha. Tại Lào có tổng cộng 27.376 ha, trong đó có 4.257 ha chuối và 200 ha dứa đang cho thu hoạch. Khu vực Bắc Campuchia có tổng cộng 8.373 ha, trong đó bao gồm 476 ha chuối và 1.244 ha xoài và mít.
|
HAGL Agrico có hàng ngàn ha đất chưa khai thác hiệu quả. |
Trong giai đoạn 2021-2023, HAGL Agrico có chiến lược tập trung trồng trọt cây ăn trái, trồng mới 9.700 ha gồm 5.200 ha chuối, 2.500 ha xoài, 2.000 ha dứa.
Cùng với đó, doanh nghiệp xác định chăn nuôi bò sinh sản, nuôi bò thịt là lĩnh vực chiến lược để đảm bảo nền tảng sản xuất nông nghiệp hữu cơ được quản trị theo phương pháp công nghiệp. Đơn vị sẽ tổ chức chăn nuôi bò sinh sản, bò nuôi thịt theo mô hình bán chăn thả và bò vỗ béo tập trung với tổng đàn đến năm 2023 khoảng 110.000 con, trong đó bò sinh sản 75.000 con, bò nuôi thịt và vỗ béo 35.000 con.
Ngoài ra, HAGL Agrico cũng lên phương án nghiên cứu chiến lược phát triển nông - lâm và chăn nuôi tại Lào với quy mô lớn; hình thành khu công nghiệp chuyên chế biến nông - lâm sản tại Nam Lào.
Có thể nói tham vọng của HAGL Agrico là rất lớn nhưng phụ thuộc vào nguồn tiền Thagrico rót vào. Với tình trạng nợ vay lớn, nguồn tiền ít ỏi, tài sản chủ yếu là khoản phải thu thì doanh nghiệp khó có thể huy động tiền từ các nguồn khác.
Kết quả kinh doanh của công ty nông nghiệp này không mấy khả quan trong các năm qua. Hai năm lỗ ròng liên tiếp 2018-2019 và lợi nhuận sau thuế năm ngoái “khiêm tốn” 21 tỷ đồng.
Quý đầu tiên dưới thời của tân Chủ tịch Trần Bá Dương thì doanh thu thuần giảm 61% xuống 260 tỷ đồng. Trong đó, mảng bán trái cây chiếm tỷ trọng lớn nhất (76%), kế đó là bán mủ cao su (17%). Nhờ nguồn thu đột biến từ chuyển nhượng đầu tư 145,8 tỷ đồng nên lãi trước thuế tăng 17% lên 3,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 6,6 tỷ đồng, tăng 136%.
Tính đến cuối quý I, HAGL Agrico ghi nhận lỗ lũy kế ở mức 2.299 tỷ đồng, thặng dư vốn cổ phần 1.170 tỷ đồng.
Năm nay, HAGL Agrico đặt mục tiêu doanh thu 1.465 tỷ đồng và lỗ 84 tỷ đồng, kế hoạch này đã điều chỉnh giảm đáng kể so với đề ra đầu năm. Lý giải việc điều chỉnh giảm, HĐQT cho biết tình hình dịch bệnh Covid-19 xảy ra nghiêm trọng tại Lào và Campuchia đã gây khó khăn lớn trong việc vận chuyển vật tư nông nghiệp cho các nông trường và trái cây xuất khẩu. Đội ngũ nhân sự kỹ thuật, thi công cơ giới, đầu tư xây dựng, nhà thầu qua lại các cửa khẩu đều bị cách ly mất nhiều thời gian và chi phí. Hơn nữa do thiếu vốn và thiếu công nhân (nợ lương) nên vườn cây bị suy giảm sản lượng thu hoạch và chất lượng. Các vườn cây ăn trái trong tình trạng thiếu nước tưới khi hệ thống hạ tầng điện nước không đáp ứng kỹ thuật. Diện tích cao su khai thác được là hơn 6.800 ha, còn lại hơn 17.150 ha cao su bị còi cọc và đất trống. Giao thông kết nối khó khăn nên chi phí thu hoạch và vận chuyển cao không hiệu quả.
Nông nghiệp của Thaco không chỉ có HAGL Agrico
Thaco bắt đầu lấn sân vào nông nghiệp thông qua việc đầu tư nắm 35% cổ phần vào HAGL Agrico. Sau đó, tập đoàn thành lập Thagrico chuyên sản xuất, chế biến, kinh doanh cây ăn trái, ngũ cốc, chăn nuôi, lâm nghiệp và vật tư nông nghiệp.
Từ sản xuất kinh doanh ôtô và bất động sản, Thaco mở rộng thêm mảng nông nghiệp là hướng đi khá bất ngờ. Chính ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco cũng từng thừa nhận làm nông nghiệp hay đầu tư vào HAGL Agrico là bất đắc dĩ và cũng là thách thức vô cùng lớn. Bởi làm nông nghiệp theo như định hướng của Thaco là quy mô lớn theo hướng công nghiệp hóa.
Năm 2021, Thaco dự kiến đầu tư mạnh tay gần 17.250 tỷ đồng cho 3 lĩnh vực nông nghiệp, ôtô và bất động sản. Nông nghiệp là lĩnh vực được chú trọng và đầu tư lớn nhất với 8.920 tỷ đồng.
Mảng nông nghiệp của Thagrico có 3 cấu phần. Tập đoàn dự kiến chi 2.164 tỷ đồng cho cây ăn trái, 2.023 tỷ đồng đầu tư nuôi bò, 1.042 tỷ đồng đầu tư nuôi heo. Ngoài ra, riêng với HAGL Agrico được rót thêm 3.691 tỷ đồng.
Cụ thể, Thagrico cùng HAGL Agrico lên kế hoạch trồng mới hàng nghìn ha, nâng tổng diện tích cây trồng lên gần 31.000 ha. Mảng chăn nuôi bò, thành viên Thaco sẽ tiến hành đầu tư vào các trang trại bán chăn thả, các trại vỗ béo. Song song với đó, công ty nhập khẩu gần 33.000 con bò sinh sản, tổ chức chăn nuôi và nhân giống. Dự kiến tổng đàn bò sinh sản đến cuối năm đạt gần 44.000 con. Tổng đàn bò vỗ béo đến cuối năm cũng sẽ ước đạt hơn 13.000 con.
Mảng chăn nuôi heo sau khi mua lại từ Hùng Vương (UPCoM: HVG) cũng được đẩy mạnh đầu tư. Kế hoạch của công ty trong năm nay là nhân đàn heo giống lên hơn 43.000 con và cung cấp hơn 82.000 heo con (bao gồm cung cấp nội bộ 50.000 con và bên ngoài 33.000 con). Thagrico cũng muốn phát triển đàn heo thịt lên 53.000 con, dự kiến xuất bán khoảng 21.000 con (tương đương 2.000 tấn thịt).
|
Thaco muốn đầu tư gần 9.000 tỷ đồng cho mảng nông nghiệp trong năm nay. |
Lưu ý rằng, một trong những lý do Thagrico dừng việc đầu tư vào HAGL Agrico là chưa nhận được giấy tờ đất của các công ty nhận chuyển nhượng dù đã thanh toán 7.623 tỷ từ 2 năm trước (giấy tờ đang thế chấp cho các khoản vay của HAGL tại BIDV). Việc không có giấy tờ đất khiến doanh nghiệp này không huy động được nguồn vốn để tiếp tục đầu tư cho các dự án xây dựng hạ tầng, trồng mới cây ăn trái trên diện tích đất các công ty đã nhận chuyển nhượng.
Mặt khác, bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh như hiện nay cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến trình đầu tư cũng như hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Thagrico thông tin dịch bệnh khiến chuỗi cung ứng vật tư nông nghiệp cho các nông trường tại Lào, Campuchia và xuất khẩu trái cây đến thị trường các nước khó khăn.
Ngoài dừng đầu tư thêm vào HALG Agrico thì mới đây tỷ phú Trần Bá Dương cũng rút hoàn toàn khỏi Hùng Vương sau gần 2 năm đầu tư. Trước đó, Thaco và một lãnh đạo khác của doanh nghiệp này cũng đã bán hàng triệu cổ phiếu HVG.
Nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao từng là miếng bánh đầy hứa hẹn thu hút không ít đại gia. Vingroup (HoSE: VIC) từng tham gia với việc xây dựng thương hiệu VinEco từ năm 2015 cung cấp rau quả hữu cơ và rau quả sạch cho thị trường. Cũng từ năm 2015, Hòa Phát bắt đầu đẩy mạnh đầu tư chăn nuôi heo, bò thịt và gia cầm.
Đến nay, Vingroup đã rút hoàn toàn khỏi mảng nông nghiệp để tạp trung cho mảng công nghệ và công nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất ôtô. Trong khi đó, Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) làm nông nghiệp cũng phải mất 5 năm mới hái quả ngọt. Ông Trần Tuấn Dương, Phó Chủ tịch HĐQT tập đoàn đánh giá ngành chăn nuôi hấp dẫn nhưng cạnh tranh lớn, do vậy, để phát triển mảng này thì phải đặt mục tiêu phát triển hệ thống đại lý lên hàng đầu.