Ngày 04/4/2025, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Kết luận thanh tra số 22/KL-TT về việc thanh tra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Đua Fat (UPCoM: DFF).
Theo kết luận thanh tra, trong thời kỳ thanh tra, Tập đoàn Đua Fat (DFF) đã thực hiện các nghĩa vụ của tổ chức đăng ký giao dịch đối với nội dung thanh tra; tuy nhiên, còn các vi phạm, thiếu sót trong tuân thủ quy định pháp luật về nghĩa vụ công bố thông tin của tổ chức đăng ký giao dịch.
Vi phạm công bố thông tin
Trong thời gian thanh tra, DFF đã không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật. Cụ thể, không công bố thông tin trên hệ thống của UBCKNN các tài liệu: BCTC riêng quý 1, 2, 3, 4/2022; BCTC riêng quý 1, 2, 3, 4/2023; BCTC riêng soát xét bán niên 2022, 2023; BCTC riêng kiểm toán 2021.
Một số tài liệu khác không được công bố trên hệ thống của cả UBCKNN và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), bao gồm: Nghị quyết HĐQT số 230126/2023/NQ-HĐQT ngày 26/01/2023 thông qua kế hoạch kinh doanh 2022-2023 và phương án vay vốn Agribank; Nghị quyết HĐQT số 220601.01/2022/NQ-HĐQT ngày 01/6/2022 thông qua nội dung giao dịch với các bên có liên quan; Nghị quyết HĐQT số 220421/2022/NQ-HĐQT ngày 21/4/2022 thông qua nội dung cho Công ty TNHH Vĩnh Hóa - công ty con vay tiền; Nghị quyết HĐQT số 220503.01/2022/NQ-HĐQT ngày 3/5/2022 và số 220103.01/2022/NQ-HĐQT ngày 03/01/2022 thông qua nội dung giao dịch với các bên có liên quan.
Doanh nghiệp cũng đã công bố thông tin không đúng thời hạn với UBCKNN, HNX và trên website Công ty với các tài liệu: Giải trình BCTC quý 1/2024 (kết quả lỗ), BCTC kiểm toán 2022 (chênh lệch 10%); Báo cáo thường niên 2022; BCTC riêng và hợp nhất kiểm toán 2022; Giải trình ý kiến kiểm toán ngoại trừ về BCTC hợp nhất năm 2022; Giải trình liên quan BCTC soát xét bán niên 2022 (Chênh lệch trước và sau soát xét); Ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2022 ngày 19/5/2022; Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp ngày 11/7/2024; Điều lệ Công ty được ĐHĐCĐ thường niên thông qua ngày 25/6/2024, ngày 09/06/2023, 03/10/2022.
Riêng với trang công bố của UBCKNN và HNX, DFF công bố thông tin không đúng thời hạn với nhiều tài liệu, gồm: BCTC hợp nhất quý 1/2024, Nghị quyết HĐQT số 210818.01/NQ-HĐQT-2021 ngày 18/8/2021 thông qua phương án phát hành trái phiếu trị giá 150 tỷ đồng; Nghị quyết HĐQT số 103/NQ-HĐQT-2021 ngày 30/12/2021 thông qua phương án phát hành trái phiếu trị giá 300 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, DFF công bố không đầy đủ nội dung trích yếu của các nghị quyết trong báo cáo quản trị (BCQT) 2022, 6 tháng đầu các năm 2023 và 2024. Doanh nghiệp không trình bày đầy đủ nội dung trích yếu của từng Nghị quyết HĐQT. Cụ thể, BCQT 2022 không nêu Quyết định về việc thông qua Điều lệ công ty và Nghị quyết về việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Trong thuyết minh BCTC riêng soát xét bán niên 2023, DFF có phát sinh giao dịch tạm ứng và hoàn ứng 4,6 tỷ đồng với Thành viên HĐQT Nguyễn Thị Thùy Linh. Tuy nhiên, khoản này không được nêu trong BCQT 6 tháng đầu năm 2023. Đối với BCQT 6 tháng đầu 2024, dù có phát sinh giao dịch chuyển nhượng ô tô cho bà Trần Thị Hồng Nhung - người có liên quan đến Chủ tịch HĐQT Lê Duy Hưng - trong nghị quyết ngày 22/03/2024, nhưng Công ty chưa trình bày trong BCQT.
Đáng chú ý, DFF còn công bố thông tin sai lệch về chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế (LNST) tại BCTC riêng và hợp nhất quý 4/2021, quý 4/2022, quý 4/2023 và quý 2/2024 so với BCTC riêng và hợp nhất kiểm toán 2021, 2022, 2023 và soát xét bán niên 2024.
Trong đó, lãi sau thuế 2021 trên BCTC riêng và hợp nhất quý 4/2021 lần lượt gần 20,5 tỷ và gần 16,8 tỷ đồng; nhưng trên BCTC kiểm toán là hơn 25,8 và hơn 25,1 tỷ đồng; lãi sau thuế năm 2022 trên BCTC riêng quý 4/2022 là 21,3 tỷ đồng và hơn 21 tỷ đồng, nhưng trên BCTC kiểm toán chỉ 3,7 tỷ đồng và gần 2 tỷ đồng; lãi sau thuế 2023 trên BCTC riêng và hợp nhất là gần 120 tỷ đồng và lỗ gần 124 tỷ đồng, nhưng BCTC kiểm toán đều lỗ khoảng 199 tỷ đồng; 6 tháng đầu năm trên BCTC riêng và hợp nhất quý 2/2024 đều lỗ hơn 60,6 tỷ đồng, nhưng bản soát xét lần lượt lãi 135 tỷ và lỗ 135 tỷ đồng.
Trong BCQT 2022 và 2023, Công ty nêu số lượng cuộc họp HĐQT trong năm lần lượt là 25 và 11, nhưng tài liệu Công ty cung cấp tổng số cuộc họp HĐQT trong năm 2022 là 26, năm 2023 là 12.
Cho tổ chức có liên quan của cổ đông vay tiền trái quy định
Cũng theo Thanh tra UBCKNN, ngày 21/4/2022, DFF ký Khế ước vay nợ với công ty con là Công ty TNHH Vĩnh Hóa, đồng thời là tổ chức có liên quan đến ông Lê Văn Thịnh - cổ đông của Công ty đồng thời là Giám đốc Vĩnh Hóa. DFF đã cho Vĩnh Hóa vay hơn 3,2 tỷ đồng trong thời hạn 12 tháng (đáo hạn vào 21/04/2023, lãi suất 0%), sau đó vào ngày 20/04/2023 và 20/04/2024 đã ký phụ lục gia hạn thời gian trả nợ thêm 1 năm.
Giao dịch được HĐQT thông qua tại Nghị quyết HĐQT ngày 21/4/2022. BCTC soát xét bán niên 2023 nêu ngày 23/05/2023, HĐQT thông qua Nghị quyết về việc chuyển nhượng 17,7 tỷ đồng phần vốn góp tại Vĩnh Hóa (59% vốn điều lệ). Đến ngày 24/05/2023, việc chuyển nhượng hoàn tất, đưa Vĩnh Hóa trở thành công ty liên kết với tỷ lệ sở hữu 40%. Từ ngày 24/05/2023, Công ty Vĩnh Hóa không còn là công ty con của Công ty nhưng vẫn là tổ chức có liên quan đến cổ đông Công ty là ông Lê Văn Thịnh.
 |
Ảnh minh họa |
Ngày 12/12/2023, DFF cũng ký khế ước vay nợ với CTCP Logistics Lê Gia, tổ chức có liên quan đến ông Hoàng Hiệp - cổ đông của Công ty. Theo đó, DFF cho Lê Gia vay 35 tỷ đồng, thời hạn 12 tháng (đáo hạn vào 12/12/2024), lãi suất 10%.
BCTC riêng kiểm toán 2023 và soát xét bán niên 2024 ghi nhận Công ty còn tồn tại khoản phải thu về cho vay đối với Vĩnh Hóa là hơn 3,2 tỷ đồng, với Lê Gia là 35 tỷ đồng. UBCKNN xác định việc cung cấp khoản vay cho 2 công ty này là trái quy định Nghị định số 155/2020/NĐ-CP.
Theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 293 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, công ty đại chúng không được cung cấp khoản vay hoặc bảo lãnh cho người có liên quan của cổ đông là tổ chức, trừ các trường hợp sau đây: Công ty đại chúng và tổ chức là người có liên quan của cổ đông là các công ty trong cùng tập đoàn hoặc các công ty hoạt động theo nhóm công ty, bao gồm công ty mẹ - công ty con, tập đoàn kinh tế và giao dịch này phải được ĐHĐCĐ hoặc HĐQT thông qua theo quy định tại Điều lệ công ty.
Vi phạm quy định trong chào bán trái phiếu riêng lẻ
Trong thời kỳ thanh tra, Công ty không thực hiện chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (TPDNRL) nhưng có 02 đợt chào bán TPDNRL có thời gian đáo hạn trong thời kỳ thanh tra. Đây là các đợt chào bán TPDNRL không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo (TSĐB), thực hiện theo quy định tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (Nghị định số 153/2020/NĐ-CP) và không phải đăng ký, báo cáo với UBCKNN.
Công ty sử dụng cổ phiếu DFF làm TSBĐ cho các lô trái phiếu nhưng chưa đăng ký biện pháp đảm bảo tại VSDC theo quy định tại khoản 1 Điều 169 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP. Riêng với mã trái phiếu DFFH2123001, Thanh tra xác định DFF đã CBTT sai lệch tại Báo cáo tình hình thực hiện các cam kết đối với người sở hữu trái phiếu năm 2022, năm 2023, bán niên 2023 và bán niên 2024.
Về tuân thủ nghĩa vụ CBTT của tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, Công ty có một số vi phạm, thiếu sót.
Kết luận từ UBCKNN là DFF không gửi nội dung công bố thông tin đến HNX đối với tài liệu công bố thông tin trước đợt mua lại trái phiếu trước hạn mã DFFH2123001 ngày 25/11/2022. Công ty cũng công bố đến HNX không đúng thời hạn các tài liệu: BCTC bán niên 2024 (riêng và hợp nhất); Báo cáo tình hình thực hiện cam kết bán niên 2024; Tình hình sử dụng số tiền thu từ phát hành trái phiếu được kiểm toán bán niên 2024; Tình hình thanh toán gốc, lãi bán niên 2024.
Ngoài ra, UBCKNN xác định DFF đã công bố sai lệch tại Báo cáo tình hình thực hiện các cam kết đối với người sở hữu trái phiếu 2022, 2023, bán niên 2023 và bán niên 2024.
Đối với các vi phạm công bố thông tin, Thanh tra kiến nghị UBCKNN xem xét xử lý vi phạm theo quy định pháp luật. Đồng thời, yêu cầu Công ty khắc phục công bố thông tin trên hệ thống của UBCKNN, HNX và website, bổ sung đầy đủ nội dung các báo cáo vi phạm, khắc phục công bố thông tin chính xác cũng như bổ sung tại các BCTC và BCQT.
Về chào bán chứng khoán, cần đảm bảo tuân thủ chặt chẽ quy định pháp luật, chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực, đầy đủ đối với các nội dung báo cáo và tài liệu cung cấp liên quan đến việc thu tiền, sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ năm 2022; Tuân thủ chặt chẽ quy định về chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, trách nhiệm của tổ chức phát hành trái phiếu trong quản lý, sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Đua Fat được thành lập vào ngày 29/6/2009, với hoạt động kinh doanh chính là phá dỡ các kết cấu công trình và cấu kiện xây dựng. Trụ sở chính của công ty đặt tại số 15, Liền kề 10, Khu đô thị Xa La, phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội.
Về tình hình kinh doanh, kết thúc năm tài chính 2024, Tập đoàn Đua Fat ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 291,6 tỷ đồng, giảm 60,8% so với năm 2023.
Sau khấu trừ các khoản thuế phí, doanh nghiệp báo lỗ ròng hơn 402,3 tỷ đồng, trong khi năm 2023 chỉ báo lỗ hơn 117,5 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2024, tổng tài sản của doanh nghiệp giảm 15,6% so với đầu năm, xuống còn gần 3.338 tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn hơn 1.563,6 tỷ đồng, giảm 11,1% so với đầu năm, chiếm 46,8% tổng tài sản.
Cũng tại thời điểm cuối năm 2024, tổng nợ phải trả của Tập đoàn Đua Fat đang ở mức hơn 3.039,8 tỷ đồng, giảm 6,6% so với đầu năm. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính hơn 2.040,6 tỷ đồng, chiếm 67,1% tổng nợ.