Tập đoàn FLC tiếp tục bị cưỡng chế thuế

FLC có số tiền quá hạn nộp phải thực hiện cưỡng chế theo quy định tại Luật Quản lý thuế, Cục thuế TP Hà Nội quyết định thực hiện cưỡng chế tổng số tiền hơn 91 tỷ đồng.
CTCP Tập đoàn FLC (FLC) ngày 23/2 công bố các quyết định của Cục thuế TP Hà Nội về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản.
Theo đó, do FLC có số tiền quá hạn nộp phải thực hiện cưỡng chế theo quy định tại Luật Quản lý thuế, Cục thuế TP Hà Nội quyết định thực hiện cưỡng chế tổng số tiền hơn 91 tỷ đồng, bao gồm 15,2 tỷ đồng thuế thu nhập cá nhân, 61,7 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp, 3,2 triệu đồng tiền chậm nộp phạt vi phạm hành chính, 14,2 tỷ đồng tiền chậm nộp thuế.
Tap doan FLC tiep tuc bi cuong che thue
 FLC bị cưỡng chế thuế.
Trước đó vào đầu tháng 1/2024, Cục thuế TP Hà Nội cũng có quyết định cưỡng chế gần 90 tỷ đồng gồm thuế chậm nộp thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền phạt vi phạm hành chính bằng biện pháp trích tiền từ các tài khoản của FLC tại ngân hàng.
Đối với khoản nợ thuế quá hạn hơn 678 tỷ đồng tại Cục thuế TP Hà Nội, tỉnh Quảng Bình, Chi cục thuế TP Hạ Long, Sầm Sơn - Quảng Xương và tiền thuê đất tại Ban quản lý Khu kinh tế Quy Nhơn, Tập đoàn FLC bị Cục Thuế Hà Nội cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn.
Ở một diễn biến khác, vào ngày 20/2, Tập đoàn FLC đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ bất thường năm 2024 với sự tham dự của 103 cổ đông, chiếm hơn 33,721% số cổ phần có quyền biểu quyết.
Đại hội đã thông qua nhiều nội dung như: Miễn nhiệm và bầu bổ sung thành viên HĐQT; miễn nhiệm và bầu bổ sung thành viên Ban kiểm soát; báo cáo kết quả tái cơ cấu và kế hoạch hoạt động kinh doanh năm 2024; thay đổi địa chỉ trụ sở chính công ty và uỷ quyền triển khai thực hiện.
FLC không công bố báo cáo tài chính từ quý 4/2022 đến nay, vì vậy tình hình tài chính của công ty không được tiết lộ. Theo thông tin từ doanh nghiệp, tổng giá trị tài sản hiện hữu của FLC đạt hơn 21.000 tỷ đồng. 
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN