Tăng dự phòng nợ khó đòi khiến DLG lỗ 312 tỷ đồng quý 2

DLG còn tăng mạnh dự phòng nợ phải thu quá hạn, khó đòi hơn 284 tỷ đồng, trong khi đầu năm chỉ ghi nhận hơn 685 triệu đồng kéo theo chi phí quản lý chiếm đến 300 tỷ đồng.
Quý 2, tổng doanh thu thuần của Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) giảm 22% còn hơn 375 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ giá vốn giảm mạnh hơn, lãi gộp tăng 22%, lên gần 74 tỷ đồng.
Trong cơ cấu doanh thu, hoạt động chiếm tỷ trọng lớn nhất là bán sản phẩm linh kiện điện tử nhưng sụt giảm do doanh thu của nhà máy tại Trung Quốc và Hàn Quốc trực thuộc Công ty MassNoble (Hong Kong) giảm bởi tác động của thị trường.
Bên cạnh đó, Công ty không còn ghi nhận doanh thu từ mảng sản phẩm nông nghiệp do đã thực hiện thoái vốn trong năm 2021.
Tang du phong no kho doi khien DLG lo 312 ty dong quy 2
 Đức Long Gia Lai lỗ hơn 300 tỷ đồng quý 2.
Chi phí tài chính là gánh nặng cho doanh nghiệp phố núi này khi tăng 15% trong kỳ dù chi phí lãi vay được tiết giảm 19%. Nguyên nhân do Công ty ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỷ giá gần 25 tỷ đồng, cùng kỳ chỉ lỗ hơn 3 tỷ đồng.
Ngoài ra, Công ty còn phát sinh gần 20 tỷ đồng dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh. Tại thời điểm 30/6, danh mục chứng khoán kinh doanh của DLG chỉ ghi nhận một cổ phiếu duy nhất là DL1 của CTCP Tập đoàn Alpha Seven (DL1) với giá gốc hơn 39 tỷ đồng, và được lập dự phòng hơn 24 tỷ đồng, tương ứng lỗ 62%.
Bên cạnh đó, DLG còn tăng mạnh dự phòng nợ phải thu quá hạn, khó đòi hơn 284 tỷ đồng, trong khi đầu năm chỉ ghi nhận hơn 685 triệu đồng kéo theo chi phí quản lý chiếm đến 300 tỷ đồng.
Hệ quả, DLG lỗ ròng hơn 312 tỷ đồng trong quý 2, và lỗ hơn 307 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2022.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của DLG tại cuối quý 2 ghi nhận 6.729 tỷ đồng, giảm 5% so với đầu năm. Trong đó, tiền và tiền gửi ngắn hạn giảm đến 19%, còn 139 tỷ đồng.
Nợ phải trả của Công ty gần như không thay đổi, duy trì ở mức trên 4.700 tỷ đồng. Tổng vay nợ cũng chỉ giảm nhẹ 3% về mức 3.097 tỷ đồng.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN