Shark Thuỷ ‘đau đầu’ vì COVID-19: Kinh doanh Apax Holdings thua lỗ, Soya Garden đóng cửa hàng loạt

COVID-19 khiến nền kinh tế suy thoái hơn trong những tháng đầu năm, doanh nghiệp lớn nhỏ đều rơi vào cảnh suy thoái, trong đó có cả vị “cá mập” Nguyễn Ngọc Thuỷ (Shark Thuỷ) cũng lao đao.
 

Shark Thủy tên thật là Nguyễn Ngọc Thủy sinh ngày 17/4/1982. Ông được biết tới với vai trò nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn Egroup, Tổng Giám đốc CTCP Anh ngữ Apax.

Là một trong những người đi tiên phong trong việc áp dụng phương pháp giáo dục trên nền tảng công nghệ hiện đại tại Việt Nam, Shark Thuỷ xây dựng Egroup thành một hệ sinh thái giáo dục tại Việt Nam có liên kết và hợp tác với các tập đoàn lớn như Chungdahm Learning, SK Telecom, MegaNext, Yakson Myungga, Culture 21, Franklin Learning Center (Mỹ…

Shark Thuỷ lần đầu tiên xuất hiện trong Chương trình Shark Tank Việt Nam trong vai trò nhà đầu tư khách mời, bên cạnh 4 cá mập chính của Chương trình, là Shark Vương (ông Trần Anh Vương, CEO của SAM Holdings), Shark Phú (ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse), Shark Linh (bà Thái Văn Linh – Giám đốc vận hành & chiến lược Quỹ đầu tư VinaCapital) và Shark Hưng (ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch HĐQT CEN GROUP; Chủ tịch Công ty CEN INVEST).

Shark Thuy ‘dau dau’ vi COVID-19: Kinh doanh Apax Holdings thua lo, Soya Garden dong cua hang loat
Ông Nguyễn Ngọc Thủy - Shark Thủy.

Chuỗi hệ thống Apax Holdings lỗ khủng, cổ đông ngoại thoái vốn

Nhắc tới Shark Thuỷ thì nhớ đến thương hiệu giáo dục Apax Holdings của ông, tuy nhiên trong quý 1/2020 chuỗi giáo dục này bất ngờ báo lỗ khủng nhất từ trước đến nay, có thể do thua lỗ khiến quỹ ngoại nhanh chóng thoái vốn tại đây.

Cụ thể, doanh thu thuần của CTCP Đầu tư Apax Holdings (HoSE: IBC) trong kỳ sụt giảm 15% về mức 242 tỷ đồng. Apax Holdings kinh doanh dưới giá vốn khiến lỗ gộp gần 1,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn có lãi 115 tỷ đồng. Thêm vào đó, chi phí lãi vay kỳ này dội lên hơn 14 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ.

Trong khi đó, chi phí bán hàng vẫn tăng mạnh 78% lên 106 tỷ đồng và chi phí quản lý cũng tăng 34% lên 47 tỷ đồng. Cộng thêm lỗ từ hoạt động khác tiếp tục ghi nhận 925 triệu đồng.

Sau cùng, Apax Holdings lỗ ròng 170 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi hơn 5,4 tỷ đồng. Đây là quý lỗ thứ hai kể từ quý 4/2017 của Công ty.

Tại thời điểm 31/3/2020, tổng nguồn vốn của Apax Holdings giảm nhẹ xuống 2.860 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả chiếm chủ yếu tới 2.088 tỷ đồng, riêng vay nợ tài chính chiếm đến 738 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh tiếp tục âm tới 407 tỷ đồng.

Đáng nói, dù hàng năm không ghi nhận hoạt động kinh doanh thua lỗ, nhưng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Apax Holdings lại âm tới 264 tỷ đồng, trong khi cuối năm 2019 chỉ âm 125 tỷ đồng

Theo lý giải, trong năm 2019, Công ty đã thực hiện các giao dịch khiến lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm gồm chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 9% làm giảm 62 tỷ lợi nhuận.

Đồng thời, Công ty điều chỉnh giảm hơn 4,8 tỷ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối do đã thực hiện mua thêm cổ phần tại CTCP Phát triển Giáo dục Igarten và tăng sở hữu tại CTCP Anh ngữ Apax.

Ngoài tình hình kinh doanh khó khăn trên, hai quỹ Valuesystem Global Mezzanine Investment - Private Investment Fund và Valuesystem Dae Gwang A Investment - Private Investment Fund đã nhanh chóng thoái vốn tại Apax Holdings.

Theo đó, hai quỹ trên đăng ký bán ra tổng cộng hơn 5,1 triệu cổ phiếu IBC, tương đương với 6,3% vốn chủ sở hữu. Thời gian dự kiến thực hiện giao dịch từ ngày 29/5 đến ngày 27/6, theo phương thức khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận.

Đáng chú ý, trong cùng ngày, Shark Thủy cũng đăng ký mua vào số lượng cổ phiếu IBC tương đương với hai quỹ ngoại trên. Giao dịch này cũng có thời gian thực hiện dự kiến từ ngày 29/5 đến ngày 27/6, theo phương thức khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận.

Như vậy, nếu giao dịch này thành công, tổng nhóm có liên quan đến Mirae Asset sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại IBC từ 6,3% (hơn 5 triệu cp) xuống còn 0% (9 cp) và không còn là cổ đông lớn của IBC.

Hiện tại, trong cơ cấu cổ đông của Apax Holdings, ngoài nhóm Valuesystem hiện chỉ một cổ đông lớn là CTCP Tập đoàn Giáo dục Egroup sở hữu 54,4 triệu cổ phần (tỉ lệ 71,14%) và được đại diện sở hữu bởi Shark Thủy.

Được biết, hai quỹ của Valuesystem vừa mua vào lượng cổ phiếu nói trên được hơn 1 tháng. Theo đó, quỹ Valuesystem Global Mezzanine Investment - Private Investment Fund đã mua vào hơn 1,6 triệu cổ phiếu IBC, tương đương đương 2,02% vốn điều lệ của Apax Holdings vào ngày 24/4.

Cùng ngày, quỹ Valuesystem Dae Gwang A Investment - Private Investment Fund cũng mua vào gần 3,5 triệu cổ phần Apax Holdings, tương đương 4,28% số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Trước đó, hai quỹ ngoại trên đều chưa nắm giữ cổ phần của Apax Holdings.

Sau các giao dịch, nhóm nhà đầu tư Valuesystem đã trở thành nhóm cổ đông lớn tại Apax Holdings với tổng số lượng sở hữu trên 5,1% cổ phiếu, tương đương 6,3% vốn điều lệ.

Shark Thuy ‘dau dau’ vi COVID-19: Kinh doanh Apax Holdings thua lo, Soya Garden dong cua hang loat-Hinh-2
1 cửa hàng Soya Garden khi còn hoạt động.

Soya Garden “ngốn” hàng trăm tỷ đồng từ Shark Thuỷ nhưng đóng cửa hàng loạt

Nhiều thông tin ghi nhận chuỗi kinh doanh đậu nành hữu cơ Soya Garden đã đóng cửa nhiều chi nhánh tại phía Bắc và phía Nam sau thời gian dài giãn cách.

Soya Garden là thương hiệu đậu nành hữu cơ được ông Hoàng Anh Tuấn thành lập năm 2016 và gọi vốn thành công 15 tỷ đồng từ Shark Thủy thông qua chương trình Shark Tank Việt Nam năm 2017. Nhưng hơn cả mong đợi, Egroup đã quyết định đầu tư 20 tỷ cho giai đoạn đầu để Soya Garden mở 50 cửa hàng gồm 30 cửa hàng ở thị trường miền Bắc và 20 cửa hàng ở thị trường miền Nam.

Vào đầu năm 2019, Tập đoàn này tiếp tục rót 45 tỷ đồng, đến tháng 4/2019 Shark Thủy lại tiếp tục rót vốn, nâng tổng số tiền đầu tư tại thương hiệu này lên hơn 100 tỷ đồng.

Với số vốn trên, Soya Garden đặt ra nhiều tham vọng trong việc mở 300 cửa hàng vào năm 2020 và "xuất khẩu" ra các thị trường trong khu vực Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản…

Tuy nhiên vào khoảng cuối năm 2019, thương hiệu này đã phải ngậm ngùi đóng cửa nhiều cửa hàng và giai đoạn COVID-19 thì diễn ra đồng loạt. Bộ phận chăm sóc khách hàng của Soya Garden cũng xác nhận thông tin vài điểm bán đang tạm ngưng hoạt động. Hiện chuỗi này chỉ còn 18 cửa hàng hoạt động ở phía Bắc và 5 điểm bán ở phía Nam.

Theo vị đại diện Soya Garden, việc chuỗi thương hiệu đóng bớt cửa hàng là nhằm thay đổi mô hình kinh doanh phù hợp hơn với thị trường. Đồng thời lên tiếng khẳng định sẽ không đóng cửa toàn hệ thống như các lời đồn đoán gần đây.

đại diện Soya Garden cũng không phủ nhận, chính dịch COVID-19 đã có phần ảnh hưởng đến quyết định đóng cửa chi nhánh của thương hiệu đậu nành hữu cơ Soya Garden. Trong thời gian tới Soya Garden vẫn sẽ phát triển song song cả mô hình cửa hàng lớn lẫn các mô hình kinh doanh nhỏ gọn.

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN