Sân bay trong cuộc đua kiếm tiền để tồn tại qua dịch bệnh

Các sân bay lớn trên thế giới được đầu tư nhiều tỉ đô la để kiêm thêm nhiệm vụ của trung tâm bán lẻ và giải trí hào nhoáng. Khi lượng khách đi lại giảm hơn 90%, các sân bay buộc phải lao vào cuộc đua kiếm tiền để tồn tại và chờ lúc hồi phục.

Sân bay Changi của Singapore thường đứng đầu trong nhiều năm ở các cuộc khảo sát sân bay tốt nhất thế giới. Năm 2019, Changi mở thêm khu giải trí  và mua sắm đẳng cấp Jewel với vốn đầu tư 1,25 tỉ đô la. Khu phức hợp này có diện tích 1,5 triệu m2 với nhiều cửa hàng và điểm tham quan bao gồm rừng nhiệt đới, mê cung và thác nước trong nhà cao nhất thế giới.

Một nhà ga thứ 5 cũng được hoạch định để nâng công suất của sân bay hàng đầu Đông Nam Á lên 140 triệu hành khách mỗi năm. Lượng khách giảm đến 96% trong quý 2 so với năm trước, khiến Changi phải đóng cửa hai trong bốn nhà ga hiện tại và hoãn kế hoạch xây nhà ga thứ 5.

San bay trong cuoc dua kiem tien de ton tai qua dich benh
Nhân viên kiểm dịch và hải quan trong đồ bảo hộ chờ đón du khách đưa đi cách ly khi dịch bùng phát vào mùa xuân vừa rồi - Ảnh: Reuters

Cú knock-out bất tỉnh

Mô hình kinh doanh phụ thuộc vào các hãng bay và chi tiêu của hành khách tại cửa hàng ở sân bay đã bị phá vỡ. Đây là một sự đảo ngược hoàn toàn so với trước, khoảng thời gian mà đa số các hãng hàng không đòi hỏi mở thêm đường băng và nhà ga để có thể duy trì sự bùng nổ của ngành hàng không.

Tuy nhiên, giờ đây, nỗi lo âu về đại dịch và các lệnh cấm du lịch đã trì hoãn tất cả các hoạt động phát triển du lịch toàn cầu và kinh doanh béo bở. Tập đoàn Vinci của Pháp, điều hành sân bay Gatwick tại London và 44 sân bay khác ở Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ Latin và Mỹ, cho biết số lượng hành khách tại các sân bay đã suy giảm đến 96% trong quý 2.

Japan Airport Terminal Co., công ty điều hành sân bay Haneda, ỗ khoảng 17,5 tỉ yen, khoảng 165 triệu đô la, trong quý 2 vừa rồi và doanh thu giảm đến 87%. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo ngành hàng không sẽ bị thiệt hại khoảng 100 tỉ đô la trong năm tới và thời điểm hồi phục như trước dịch sẽ không thể diễn ra đến năm 2024. “Tệ hơn nữa, lượng lưu thông quốc tế có thể sẽ không hồi phục lại cho đến tận năm 2027”, Philippe Pascal, giám đốc điều hành tài chính và chiến lược của Aeroports de Paris cho biết.

Dù hành khách ở nhà và không bay, các sân bay vẫn phải mở cửa. Mirjam Wiedemann, giảng viên và nhà nghiên cứu hàng không tại Đại học South Australia, cho rằng: “Không chính phủ nào có thể cho phép sân bay đóng cửa, một sân bay lớn đóng cửa là điều không thể tưởng tượng được”.

Các nhà điều hành sân bay lớn đang trông chờ sự thiện chí của các chủ nợ. Heathrow Airport Holdings Ltd. đạt được giao ước với các chủ nợ cho trả chậm đến năm 2021, trong khi đó  Fraport AG Frankfurt Airport Services Worldwide lại đang trong quá trình thương lượng.

Theo Bloomberg Intelligence, 10 sân bay hàng đầu tại Mỹ đang phải đối mặt với các khoản thanh toán nợ lãi và gốc vào năm 2022, trị giá tổng cộng gần 14 tỉ đô la.

Đa dạng hóa nguồn thu, cắt giảm mạnh chi tiêu

“Covid-19 đã cho các sân bay thấy rằng họ cần phải tìm cách để đa dạng hóa các nguồn thu của mình”, nhà nghiên cứu Max Hirsh thuộc Đại học Hong Kong kiêm giám đốc của Airport City Academy, nhận xét. Chẳng hạn, Changi đang khuyến khích người dân Singapore, những người hiện không đi du lịch, tới mua sắm tại các cửa hàng miễn thuế ở sân bay.

Trong thời gian chờ đợi hồi phục kinh tế thì một số sân bay đã tận dụng các cơ sở trống của họ để tạo ra nguồn thu. Sân bay quốc tế Ontario tại Nam California, Mỹ  đã biến bãi đậu xe thành rạp chiếu phim ngoài trời. Sân bay quốc tế Edmonton tại Alberta, Canada lên kế hoạch lắp đặt một nhà máy điện mặt trời với công suất 120MW trên diện tích 254 ha. Còn sân bay Munich của Đức thì thương lượng với DHL Express để biến bãi giữ xe của mình thành một cơ sở chứa hàng hóa, trị giá 82 triệu đô la.

Để có thể tiết kiệm chi phí, rất nhiều sân bay đã đóng cửa nhiều cửa hàng và dịch vụ, sa thải một số nhân viên. Sân bay Copenhagen của Đan Mạch cắt giảm 25% trong tổng số 2.600 lao động của họ để có thể giảm khoản chi tiêu đến 51 triệu đô la. Ngoài ra, tập đoàn Corporación América thông báo sẽ tạm thời đóng cửa sân bay Aeroparque tại Buenos Aires, Argentina trong khoảng bốn tháng để cải tạo và mở rộng.

Tại Mỹ, Đạo luật cứu trợ thảm họa dịch Covid-19 (CARES) cung cấp khoảng 10 tỉ đô la cho các sân bay vùng và thương mại. Đảng Cộng hòa cũng đề nghị thêm gói kích thích kinh tế trị giá 10 tỉ đôla, phần lớn dành cho các sân bay quan trọng (hub). Các nhà đầu tư cũng bỏ thêm tiền để cứu. Dallas Fort Worth International Airport đã bán 2 tỉ trái phiếu doanh nghiệp vào tháng 7 vừa rồi dù số ca lây nhiễm ở bang Texas đang gia tăng. 

San bay trong cuoc dua kiem tien de ton tai qua dich benh-Hinh-2
Sân bay quốc tế Đại Hưng lớn nhất thế giới vắng khách trong mùa dịch. Ảnh: AFP

Không thể ngồi chờ

Tại châu Á, chính phủ các nước hy vọng đại dịch sẽ sớm kết thúc trước lúc các dự án mở rộng các sân bay lớn hoàn tất. Tại Thái Lan, giai đoạn đầu tiên của dự án sân bay ở phía nam Bangkok trị giá 9,4 tỉ đô la sẽ mở cửa hoạt động vào năm 2024. Trong khi đó, Hong Kong đã chi 18 tỉ đô la để mở rộng phát triển sân bay. Bên cạnh đó, các nước như Trung Quốc, Việt Nam và Hàn Quốc cũng vẫn tiếp tục với các dự án xây dựng và phát triển.

Các nhà hoạch định phát triển phải nhìn xa hơn và chú trọng nhu cầu phát triển sau đại dịch, Chủ tịch Jack So của Cơ quan quản lý sân bay Hồng Kông phát biểu hồi tháng 6-2020. Sân bay của hòn đảo được đầu tư thêm 4,5 tỉ đô la để mở rộng hệ thống ba đường băng, thường được gọi là dự án 3RS. “Khủng hoảng đại dịch đã không làm chúng tôi mất tầm nhìn dài hạn về việc phát triển sân bay thành một trung tâm hàng không quốc tế hàng đầu. Trong đó, sự phát triển của 3RS giữ vai một trò quan trọng”, Chủ tịch Jack So phát biểu. 

Khi hành khách quay lại, các sân bay nên đánh giá lại các hoạt động kinh doanh kiếm tiền của họ - Greg Fordham, giám đốc điều hành Airbiz, nhận định. “Cuộc khủng hoảng này một cơ hội tuyệt vời cho các sân bay để phát triển các mảng mà trước đây họ không có”, Fordham giải thích.  Điều này có thể bao gồm các việc như sắp xếp khách sạn cho phi hành đoàn hay cung cấp cho hành khách các dịch vụ từ ẩm thực cao cấp đến liệu pháp chăm sóc sức khỏe. Airbiz là công ty có trụ sở tại Melbourne, Úc và đã tư vấn cho các dự án sân bay tại Brussels, Dubai, Hồng Kông và Singapore.

Tuy nhiên, hiện đa số các sân bay vẫn tập trung vào việc tái cơ cấu nguồn lực và hoạt động để đối phó với đại dịch Covid-19. Sân bay quốc tế Auckland tại New Zealand hồi tháng 6 đã tách nhà ga thành thành hai khu vực, một khu dành cho hành khách đi và đến từ các quốc gia trong “hành lang du lịch an toàn” của New Zealand và một khu dành cho những hành khách cần được cách ly hoặc kiểm dịch.

Hiện tại, dự án này vẫn tiếp tục dù có vài ca bệnh lẻ được phát hiện. Sân bay này cũng đã đình chỉ các dự án vốn lên đến 1,3 tỉ đô la. “Cho đến giờ chẳng ai rõ quá trình hồi phục sẽ như thế nào. Bạn không thể ngồi đó và chờ chính phủ đưa ra giải pháp. Các sân bay phải tự đứng lên và đưa ra những cách thức để giúp mọi người có thể mường tượng ra là sống chung với chủng virus sẽ như thế nào”, CEO Adrian Littlewood của sân bay Auckland, New Zealand nhận định.

Ricky Hồ - Lê Hiếu/TBKTSG

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN