Trước khi thông qua toàn bộ Dự thảo Luật Đầu tư sửa đổi, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết về quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Kết quả có trên 90% đại biểu tán thành cấm kinh doanh dịch vụ trên.
Cũng liên quan đến quy định này, báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý Dự án Luật Đầu tư, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, qua thảo luận đa số ý kiến đề nghị cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”. Một số ý kiến đề nghị không cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ mà thực hiện theo quy định của Luật hiện hành, đồng thời đổi tên là "kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ”.
Do đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội và xin tiếp thu theo đa số ý kiến đại biểu Quốc hội, quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” tại điểm h khoản 1 Điều 6.
Đa số đại biểu tán thành quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ
Về thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, có ý kiến đề nghị cần phải quy định chặt chẽ nhằm ngăn chặn những hình thức đầu tư thông qua việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế để đầu tư vào các địa bàn trọng yếu về quốc phòng, an ninh của đất nước.
Trước ý kiến này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, việc bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia cần hài hòa với nhu cầu thu hút đầu tư, phát triển kinh tế- xã hội tại các khu vực đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển hoặc khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
“Việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài; quy định của pháp luật về đất đai về điều kiện nhận quyền sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển; quy định về bảo đảm quốc phòng, an ninh tại khoản 3 Điều 5 dự thảo Luật”, ông Vũ Hồng Thành cho hay.