Quốc Cường Gia Lai lỗ ròng 4 tỷ trong quý 2, khoản phải thu tăng mạnh lên 889 tỷ đồng

CTCP Quốc Cường Gia Lai (HoSE: QCG) báo doanh thu tăng mạnh so cùng kỳ nhưng vẫn lỗ ròng hơn 4 tỷ trong quý 2/2020.

Doanh thu thuần trong quý 2 của Quốc Cường Gia Lai gấp đến 4,8 lần so cùng kỳ lên đến 947 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu bất động sản hơn 934 tỷ đồng, còn lại là doanh thu bán điện. Theo giải trình, doanh thu tăng cao do Công ty đã bàn giao căn hộ cho khách hàng.  

Lãi gộp gấp 2,3 lần so cùng kỳ, ghi nhận gần 87 tỷ đồng. Tuy vậy biên lãi gộp giảm mạnh từ 19% về còn 9%.

Đáng chú ý, chi phí tài chính tăng mạnh chiếm hơn 11 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ hơn 0,5 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là chi phí lãi vay. Chi phí bán hàng tăng mạnh lên 71 tỷ đồng từ mức 6 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng không đáng kể.

Sau cùng, QCG báo lãi sau thuế ở mức 18 tỷ đồng, giảm 42% so cùng kỳ, riêng công ty mẹ lỗ gần 4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ có lãi 31 tỷ đồng.

Tính cho 6 tháng, doanh thu thuần của Quốc Cường Gia Lai tăng gần gấp đôi lên mức 1.028 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế ở mức 48 tỷ đồng, tăng 30%, riêng lãi thuộc về công ty mẹ là 26 tỷ đồng, giảm 30%.

Quoc Cuong Gia Lai lo rong 4 ty trong quy 2, khoan phai thu tang manh len 889 ty dong
 

Tại ngày 30/6, các khoản phải thu ngắn hạn tăng mạnh so đầu năm từ 452 tỷ lên 889 tỷ. Hàng tồn kho tính giảm 14% về còn 7.280 tỷ đồng.

Bất động sản dở dang chiếm 93% hàng tồn kho, tương đương gần 6.801 tỷ đồng chủ yếu là các khoản chi phí đền bù, tiền sử dụng đất, chi phí xây dựng và các chi phí khác liên quan trực tiếp đến các dự án.

Nợ phải trả của Quốc Cường Gia Lai tuy đã giảm nhưng vẫn ở mức cao chiếm gần 6.405 tỷ đồng, gấp 1,5 lần vốn chủ sở hữu, trong đó hơn 6.009 tỷ đồng là nợ ngắn hạn.

Bên cạnh đó, Quốc Cường Gia Lai vẫn còn khoản phải trả là tiền đã nhận của Sunny cho dự án Phước Kiển gần 2.883 tỷ đồng.

Tại ĐHĐCĐ thường niên vừa qua, với dự án Phước Kiển, Công ty đã hoàn thành được 5 trên 7 bước của dự án. Công ty trúng thầu vào năm 2015 và được chấp thuận đầu tư có thời hạn 3 năm từ năm 2017, đến 1/8 năm nay sẽ hết hạn, tức còn 1 tháng.

Đến tháng 4/2019, QCG đã nhận được chấp thuận đầu tư hạ tầng, dự án có tổng mức đầu tư 63.000 tỷ đồng, Công ty phải ký quỹ 10%, tương ứng với 6.300 tỷ đồng nhưng từ khi nhận được chấp thuận đến nay là đã hơn 1 năm, Công ty gặp rất nhiều khó khăn. “Không biết đi về đâu với dự án này” – Chủ tịch trăn trở.

Tất cả hồ sơ cho dự án đều có đủ và đối tác cũng góp đủ vốn. Tuy vậy, vướng mắc là sở Tài nguyên Môi trường không giao đất nên phải chờ quyết định của các cấp. Do vậy, dù dự án đã được chấp thuận đầu tư nhưng không giao đất được. Trong khi đó vào 1/8 tới thì giấy phép chấp thuận đầu tư sẽ hết hạn.

Bất cập này không phải lỗi của doanh nghiệp nhưng cũng không biết kêu ai. Bởi vì đó là dòng tiền huyết mạch của gia đình và của cổ đông, Chủ tịch cũng khổ tâm với đối tác và cả ngân hàng. Không giao đất được thì không thể triển khai dự án.

Chưa kể đến vấn đề giải phóng mặt bằng, năm 2010 chấp thuận địa điểm, QCG chỉ đền bù 80%, còn 20% Nhà nước phải hỗ trợ và lập ra ban bồi thường, và QCG đã góp tiền vào để làm. Ban bồi thường sẽ định ra giá thị trường để làm. Từ 2015 đến nay, càng khổ hơn nữa, không có 1 ban ngành nào hỗ trợ.

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN