Trong năm 2021, PVX trình cổ đông kế hoạch tổng doanh thu dự kiến 1.383 tỷ đồng, giảm 15% kết quả năm ngoái. Công ty không đưa ra mục tiêu lợi nhuận trong khi năm ngoái công ty lỗ trước thuế 167 tỷ đồng.
Một trong những nguyên nhân khiến các chỉ tiêu về sản xuất kinh doanh 2020 không đạt được kế hoạch đề ra là do Dự án nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 tạm dừng thi công một số hạng mục do thiếu nguồn vốn thanh toán từ Tổng thầu và Chủ đầu tư.
Dự án thi công một số hạng mục cơ khí tại dự án Long Sơn mới triển khai từ tháng 9/2020. Ngoài ra, kế hoạch năm 2020 có bao gồm dự kiến một số hạng mục công trình khác, nhưng thực tế đã không tiếp thị được.
Trong quý 1 vừa qua, PVX đã lỗ sau thuế 28 tỷ đồng, là quý thứ 8 liên tiếp kinh doanh thua lỗ và nâng mức lỗ lũy kế tính đến cuối quý 1 lên 3.982 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2021, PVX vẫn tiếp tục tập trung hai dự án NMNĐ này, triển khai các hạng mục công trình còn lại.
Năm nay, PVX sẽ hoàn thiện cơ cấu tổ chức và mô hình hoạt động của hai đơn vị chính là CTCP Kết cấu Kim loại và Lắp máy Dầu khí (PVC - MS) và CTCP Xây lắp Đường ống Bể chứa Dầu khí (DOBC).
Đồng thời tập trung thoái phần vốn góp của PVC tại các đơn vị khi đủ điều kiện và đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, công ty sẽ tiếp tục đôn đốc các đơn vị thành viên đẩy mạnh việc thoái vốn tại các dự án bất động sản nhằm tập trung nguồn lực cho hoạt động xây lắp tại các dự án,...
Đặc biệt, doanh nghiệp sẽ trình cổ đông kế hoạch thoái vốn của PVC tại các đơn vị thành viên giai đoạn 2021 - 2025.
Ngày 11/5 vừa qua, PV đã đưa ra nghị quyết chuyển nhượng toàn bộ 17 triệu cổ phần (tương ứng gần 47% vốn góp) của PVC tại PVC - Bình Sơn với giá khởi điểm là 12.650 đồng/cp và hoàn thành trước ngày 22/6. Trong khi mức giá kế hoạch ban đầu đưa ra vào năm 2019 là 12.415 đồng/cp.
Trên thị trường, phiên 4/6 chứng kiến nhóm cổ phiếu dầu khí giao dịch bùng nổ với hàng loạt mã tăng trần. Cổ phiếu PVX cũng tăng trần lên mức giá 2.000 đồng/cp với khối lượng khớp lệnh hơn 6,9 triệu đơn vị trong khi các phiên trước hầu như không có giao dịch.