PV Oil có lãi trong quý 2 nhưng bán niên vẫn ghi nhận lỗ 246 tỷ đồng

Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil, UPCoM: OIL) ghi nhận lãi 177 tỷ đồng trong quý 2 nhưng bán niên vẫn chưa thoát lỗ.
Doanh thu thuần trong quý 2 đạt 11.653 tỷ đồng, giảm 46% so cùng kỳ, giá vốn hàng bán giảm mạnh hơn doanh thu nên lãi gộp chỉ giảm 18% về còn 781 tỷ đồng. Hơn nữa, biên lãi gộp cải thiện tăng từ 4,4% lên 6,7%.

Doanh thu tài chính tăng 15% lên 99 tỷ đồng. Các chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lí doanh nghiệp đều ghi nhận giảm.

Sau cùng, PV Oil báo lãi sau thuế 183 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ, lãi ròng ở mức 177 tỷ đồng, tăng 9%.

Theo Ban lãnh đạo PV Oil, biến động giá xăng dầu thế giới và tác động của dịch COVID-19 trong tháng 4 làm cho tình hình kinh doanh của các công ty con giảm mạnh so với quý 2/2019, từ đó kéo lợi nhuận của Tổng công ty giảm theo.

PV Oil co lai trong quy 2 nhung ban nien van ghi nhan lo 246 ty dong
 

Lũy kế 6 tháng, PV Oil ghi nhận doanh thu thuần đạt 29.338 tỷ đồng, giảm 24% so với bán niên năm 2019. Lỗ ròng ở mức 246 tỷ đồng do gánh mức lỗ khủng trong quý 1.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2020, ban lãnh đạo PV Oil cho biết theo dự kiến, tình hình dịch bệnh vẫn ảnh hưởng đến PV Oil và các công ty trong ngành, trong quý 2 này sản lượng dự kiến giảm đến 12%.

Còn trong 2 quý còn lại trong năm 2020, đại diện PV Oil cho rằng nếu kịch bản dịch bệnh được kiểm soát tốt, du lịch trên đà tăng trưởng thì cả năm 2020 sản lượng xăng dầu của PV Oil sẽ giảm 10%.

Với tình hình tệ hơn, dịch bệnh bùng phát trở lại thì sản lượng của Công ty giảm đến 18%, đây là con số khá khủng khiếp, đại diện PV Oil cho biết.

Còn về tình hình chung của toàn ngành, không có dịch bệnh các chuyên gia dự báo sản lượng tăng trưởng xăng dầu từ 4-5%. Với những tác động COVID-19, khi kiểm soát tốt sản lượng toàn ngành chưa thể tăng trưởng như bình thường, dự kiến sụt giảm 5-7%. Kịch bản xấu xảy ra thì sản lượng sẽ giảm hơn 10%.

Tổng tài sản tại ngày 30/6 đạt 21.736 tỷ đồng, giảm 18% so với đầu năm. Trong đó, tiền và tương đương tiền giảm 38%, các khoản phải thu ngắn hạn giảm mạnh hơn 3.400 tỷ đồng do giảm phải thu khách hàng ngắn hạn và phải thu khác.

Trong cơ cấu nguồn vốn, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn cũng giảm từ 4.710 tỷ đồng còn 2.980 tỷ đồng.

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN