Cụ thể, đơn vị kiểm toán có kết luận ngoại trừ khoản Phải thu khác từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại thời điểm cuối năm 2022 với số tiền gần 170 tỷ đồng, đây là khoản lỗ luỹ kế đến ngày 18/5/2021 (thời điểm Petec chuyển sang hoạt động theo loại hình công ty cổ phần).
Khoản phải thu khác này phát sinh từ việc xác định phần vốn Nhà nước tại thời điểm 18/5/2011 nhưng chưa được PVN và các cơ quan Nhà nước có liên quan phê duyệt.
Đơn vị kiểm toán không có đủ thông tin về giá trị sẽ được phê duyệt và khoản chênh lệch so với giá trị khoản phải thu khác được ghi nhận nêu trên. Vì vậy, đơn vị kiểm toán không đánh giá được ảnh hưởng của vấn đề này tới Báo cáo tài chính của Petec trong năm 2022.
Ngoài ra, đơn vị kiểm toán còn nhấn mạnh loạt vấn đề tại Petec.
Thứ nhất, số dư chi phí xây dựng cơ bản dở dang của dự án Xây dựng giai đoạn 2 Kho xăng dầu Petec Cái Mép của Petec tại ngày 31/12/2022 là hơn 56 tỷ đồng. Dự án này đã dừng thực hiện từ năm 2012 theo văn bản của PVN về việc dừng, giãn toàn bộ đầu tư xây dựng cơ bản, chỉ đầu tư các hạng mục chính, thật cần thiết cho hoạt động kinh doanh xăng dầu năm 2012. Đến thời điểm phát hành báo cáo kiểm toán này, Petec chưa nhận được hướng dẫn của công ty mẹ liên quan đến kế hoạch tiếp theo của dự án này.
Thứ hai, tại ngày 24/10/2017, Kiểm toán Nhà nước có thông báo truy thu thuế bảo vệ môi trường giai đoạn 2015-2016 tại công ty mẹ là Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil) là gần 14 tỷ đồng. Petec đã có các văn bản giải trình và kiến nghị về số tiền truy thu này. Đến ngày 11/11/2019, Petec đã nhận được công văn của Cục Thuế TPHCM trả lời về việc kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu của đơn vị. Tuy nhiên đến thời điểm phát hành báo cáo kiểm toán này, Petec vẫn đang chờ kết quả xử lý kiến nghị và chưa hạch toán khoản tiền truy thu thuế bảo vệ môi trường nêu trên.
Ngoài ra, khoản tiền thuế GTGT còn được khấu trừ tại công ty con là CTCP Cà phê Petec tại thời điểm cuối năm 2022 là hơn 6 tỷ đồng đang chở xác minh của Cục Thuế TPHCM để làm thủ tục hoàn thuế.
Thứ ba, tại thời điểm cuối năm 2022, Petec đang có lỗ lũy kế và nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền lần lượt khoảng 1.818 tỷ và 198 tỷ đồng. Trong đó nợ phải trả công ty mẹ PVOil khoảng 486 tỷ đồng. Các vấn đề này đã phản ánh Petec đang gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ đến hạn trả. Khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn của Petec trong thời gian tới phụ thuộc vào việc thu được lợi nhuận trong tương lai, thu xếp nguồn tài chính cũng như sự hỗ trợ từ công ty mẹ PVOil để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
|
Các dịch vụ kho xăng dầu của Petec |
Thứ tư, giá trị còn lại tại ngày 31/12/2022 của khoản Lợi thế vị trí địa lý là gần 163 tỷ đồng. Từ năm 2016, Petec đã dừng phân bổ giá trị khoản Lợi thế vị trí địa lý vào chi phí sản xuất kinh doanh và thực hiện khấu trừ với tiền thuê đất hàng năm của các khu đất tại Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Phú Định (TPHCM).
Còn khoản Lợi thế vị trí địa lý của các khu đất khác chưa được khấu trừ với tiền thuê đất hàng năm do chưa có phê duyệt của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Trong năm 2022, Petec đã thực hiện phân bổ chi phí Lợi thế vị trí địa lý vào kết quả kinh doanh năm 2022 và hồi tố kết quả kinh doanh năm 2021 (từ thời điểm dừng phân bổ đến năm 2020, kết quả kinh doanh hàng năm của Petec đều bị lỗ). Ban Tổng giám đốc Petec khẳng định việc ghi nhận như trên là phù hợp với tình hình thực tế và không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Petec.
Do đó, chi phí quản lý của Petec năm 2021 được điều chỉnh tăng thêm hơn 12 tỷ đồng lên 62 tỷ đồng. Điều này kéo theo lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ Petec năm 2021 từ 13,6 tỷ được điều chỉnh còn vỏn vẹn hơn 1 tỷ đồng tại báo cáo tài chính 2022.
Về tình hình kinh doanh năm 2022, Petec ghi nhận doanh thu thuần gấp đôi năm 2021 với 7.880 tỷ đồng. Tuy nhiên do các loại chi phí tăng cao cộng thêm lỗ từ hoạt động khác hơn 3,3 tỷ đồng khiến lợi nhuận sau thuế của Petec vỏn vẹn hơn 2 tỷ đồng, vẫn khả quan hơn mức lãi 1,3 tỷ của năm 2021 (theo điều chỉnh).
Với kết quả đó, năm 2023, Petec đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất chỉ 5.211 tỷ đồng nhưng lợi nhuận lại lên tới 20 tỷ đồng. Như vậy, kế hoạch 2023 của Petec ghi nhận giảm 34% so năm 2022 nhưng lại gấp 10 lần về lợi nhuận.
Tại thời điểm cuối năm 2022, tổng tài sản của Petec giảm hơn 6% về còn 1.340 tỷ đồng. Trong đó đáng chú ý là kkhoản Phải thu ngắn hạn của khách hàng vẫn duy trì ở mức cao tới 714 tỷ đồng và dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi cũng lên tới con số 657 tỷ đồng.
Hiện vốn chủ sở hữu của Petec đang dần bị ăn mòn (còn hơn 686 tỷ) do lỗ lũy kế lên tới gần 1.818 tỷ đồng do công ty chìm trong thua lỗ nguyên một chặng đường dài 10 năm liên tục từ 2011 đến 2020.
Với tình hình kinh doanh lẹt đẹt này, đến bao giờ Petec mới xoá hết lỗ luỹ kế trên?
Trên sàn UPCoM, cổ phiếu PEG hầu như không có giao dịch nên đứng giá dài ở mức 7.300 đồng/cổ phiếu, ghi nhận giảm hơn 15% trong vòng 1 năm qua.