Công suất điện gió ngoài khơi toàn cầu lấy lại đà tăng trưởng từ năm 2024
Chứng khoán Vietcap (VCSC) cho rằng, điện gió ngoài khơi toàn cầu có tiềm năng tăng trưởng lớn dù phải đối mặt với những thách thức ngắn hạn từ chi phí và lãi suất tăng.
Theo Cơ quan Năng lượng tái tạo Quốc tế (IRENA), 8,9 GW điện gió ngoài khơi toàn cầu đã được bổ sung vào năm 2022, giảm 55% so cùng kỳ do chính sách feed-in-tariff (FiT) cho điện gió ngoài khơi của Trung Quốc kết thúc vào năm 2021.
Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC) dự đoán rằng tăng trưởng công suất điện gió ngoài khơi toàn cầu sẽ phục hồi trong năm 2023-2024 với công suất bổ sung là 18 GW mỗi năm (gấp đôi mức tăng công suất vào năm 2022).
Từ năm 2025 trở đi, GWEC kỳ vọng công suất điện gió ngoài khơi toàn cầu sẽ tăng khoảng 30 GW mỗi năm (gấp 5 lần mức tăng hàng năm trước đại dịch Covid-19).
Điều này được thúc đẩy bởi chi phí điện năng (LCOE) giảm và các chính sách hỗ trợ trên toàn cầu. Đài Loan duy trì chính sách giá FiT thuận lợi cho năng lượng tái tạo vào năm 2023 và thậm chí còn tăng giá FiT cho điện gió ngoài khơi thêm 0,1% lên 4,51 tệ Đài Loan/kWh (15 xu Mỹ/kWh). Vào giữa tháng 11/2023, chính phủ Anh cũng đã tăng 66% giá thầu tối đa cho điện gió ngoài khơi, lên 73 bảng Anh/MWh (9,3 xu Mỹ/kWh).
Trong khi đó, Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng kỹ thuật cao nhất về phát triển điện gió ngoài khơi tại châu Á, ở mức 600 GW (dữ liệu từ Quy hoạch Điện (QHĐ VIII), gấp 3 lần so với Ấn Độ (174 GW) và Philippines (178 GW), gấp 2 lần so với Indonesia (277 GW), và 1,2 lần so với Đài Loan (494 GW) và tương đương Hàn Quốc (624 GW).
Orsted rút khỏi hoạt động phát triển điện gió ngoài khơi của Việt Nam vào tháng 11/2023 do tiến độ khung pháp lý và chính sách giá chậm. Tuy nhiên, Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners và Tập đoàn Enterprize Energy đã đăng ký phát triển khoảng 7 GW (vốn đầu tư vào khoảng 22 tỷ USD).
Trong khi đó, QHĐ VIII của Việt Nam đặt mục tiêu đạt 6 GW điện gió ngoài khơi cho tới năm 2030 - 1% tiềm năng kỹ thuật và không bao gồm các dự án sẽ được phát triển hoàn toàn để xuất khẩu điện.
Orsted là khách hàng lớn nhất của PVS trong mảng M&C cho lĩnh vực điện gió ngoài khơi
Một trong những dự án xuất khẩu điện là dự án 2,3 GW điện gió ngoài khơi của Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) và Sembcorp.
VCSC cho rằng giá điện từ dự án này sẽ ở mức hấp dẫn so với LCOE ước tính năm 2021 của điện gió ngoài khơi tại Việt Nam là 15 xu Mỹ/kWh và LCOE dự kiến là 8-9 xu Mỹ/kWh vào năm 2030. Giá điện bán lẻ năm 2023 cho hộ gia đình và doanh nghiệp của Singapore hiện lần lượt là 23 xu Mỹ /kWh và 32 xu Mỹ/kWh.
Tuy nhiên cũng cần lưu ý, Tập đoàn phát triển năng lượng tái tạo Đan Mạch Orsted lỗ ròng 2,9 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2023 do rút khỏi 2 dự án tại Mỹ. Orsted hiện là khách hàng lớn nhất của PVS trong mảng cơ khí & xây dựng (M&C) cho lĩnh vực điện gió ngoài khơi mới.
PVS đang xây dựng 33 chân đế cho dự án điện gió ngoài khơi Greater Changhua 2a & 4 của Orsted tại Đài Loan.
Mặc dù ghi nhận lỗ ròng, Orsted ghi nhận dòng tiền từ hoạt động kinh doanh (CFO) lớn, đạt tổng cộng 3,3 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2023 so với âm 1,3 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2022.
Dự báo đồng thuận của Bloomberg cho rằng lợi nhuận sau thuế của Orsted sẽ hồi phục lên 1,5 tỷ USD và 1,6 tỷ USD trong năm 2024 và 2025. Ngoài ra, vốn xây dựng cơ bản của công ty dự kiến đạt bình quân 6 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn 2024-2026 (cao hơn khoảng 50% so với bình quân giai đoạn 2018-2022).
Diễn biến này cho thấy Orsted đang tích cực mở rộng mảng điện gió ngoài khơi với các dự án khác tại Mỹ, mà công ty cho rằng sẽ mang lại lợi ích cho cổ đông, cũng như các dự án tại Đài Loan.
Do đó, VCSC duy trì kỳ vọng rằng PVS sẽ hưởng lợi từ việc phát triển điện gió ngoài khơi của Việt Nam và toàn cầu. Theo PVS, Orsted đã chi trả cho công ty dòng tiền ổn định. PVS đang thi công đúng tiến độ để bàn giao 4 trong số 33 chân đế từ tháng 4/2024 và sẽ hoàn thành hợp đồng trị giá 320 triệu USD vào giữa năm 2025.
VCSC nhận thấy không có sự thay đổi nào đối với dự báo backlog mảng M&C điện gió ngoài khơi trị giá 2,8 tỷ USD trong giai đoạn 2023-2030 (chiếm 60% backlog mảng M&C điện gió ngoài khơi tiềm năng tại Đài Loan và Việt Nam vì không có thay đổi đối với các dự án đang được xây dựng và các dự án trong kế hoạch của Orsted tại Đài Loan.
Ngoài ra, tại Đài Loan, còn có những công ty khác ngoài Orsted như Copenhagen Infrastructure Partners. Backlog của những tập đoàn này có thể bù đắp cho rủi ro điều chỉnh giảm đối với backlog của Orsted, do đó không có thay đổi đáng kể nào đối với backlog mảng M&C điện gió ngoài khơi của PVS.
Ngoài ra, VCSC cho rằng CTCP Cơ điện lạnh (REE) sẽ bắt đầu dự án điện gió ngoài khơi với các đối tác của công ty (bao gồm Tập đoàn Trường Thành và một số nhà đầu tư Nhật Bản) vào năm 2025 nếu cơ chế giá thuận lợi được đưa ra trong năm 2024.