OCB mở thêm 17 chi nhánh và phòng giao dịch trong năm 2024

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) vừa được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép mở mới 5 chi nhánh mới và 12 phòng giao dịch trong năm 2024.
OCB mo them 17 chi nhanh va phong giao dich trong nam 2024
 
Cụ thể, OCB sẽ mở mới 5 chi nhánh tại các tỉnh Lào Cai, Phú Thọ, Quảng Bình, Đắk Nông và Ninh Thuận. Đồng thời, 12 phòng giao dịch mới sẽ được khai trương tại Hà Nội, Nam Định, Ninh Bình, Bình Định, Lâm Đồng và Gia Lai. Sau khi hoàn thành việc mở rộng, OCB sẽ sở hữu tổng cộng 176 điểm giao dịch và hiện diện tại 48 tỉnh thành trên cả nước.
Ông Nguyễn Văn Hương - Phó Tổng giám đốc Khối Bán lẻ OCB - cho biết việc mở rộng mạng lưới nhằm đáp ứng nhu cầu giao dịch trực tiếp của khách hàng, đồng thời tăng cường độ phủ thương hiệu và giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng.
Việc mở rộng mạng lưới này đánh dấu chiến lược phát triển mạnh mẽ của OCB trong bối cảnh xu hướng dịch vụ tài chính trực tuyến ngày càng phát triển. Các chi nhánh và phòng giao dịch mới được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, tọa lạc tại các vị trí thuận lợi, hứa hẹn mang đến trải nghiệm giao dịch chuyên nghiệp và tiện lợi cho khách hàng.
Năm 2024, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 6.885 tỷ đồng, tăng 66% so với kết quả năm 2023. Mục tiêu này được đánh giá là tham vọng nhưng hoàn toàn khả thi dựa trên chiến lược phát triển rõ ràng và những giải pháp cụ thể mà OCB đề ra.
OCB cũng đặt mục tiêu tổng huy động vốn thị trường 1 đạt 197.346 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, tổng dư nợ thị trường 1 dự kiến tăng 20% lên mức 177.592 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát tốt dưới 3%.
Tuy nhiên, một điểm cần lưu ý là OCB không hoàn thành mục tiêu lợi nhuận đề ra cho năm 2022 và 2023. Cụ thể, lãi trước thuế năm 2023 đạt 4.139 tỷ đồng, chỉ bằng 69% kế hoạch. Con số này cho năm 2022 cũng chỉ đạt 4.389 tỷ đồng, tương đương 62% kế hoạch.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, OCB sẽ tập trung vào việc thực hiện chiến lược ESG - đề cao yếu tố môi trường, xã hội và quản trị trong hoạt động kinh doanh, hướng đến sự phát triển bền vững và tạo lợi thế cạnh tranh.
Ngân hàng cũng tập trung vào mảng bán lẻ, phát triển mạnh mẽ mảng bán lẻ, đặc biệt là khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). OCB cũng đã và giải quyết dứt điểm các khoản nợ xấu từ hai "con nợ" lớn FLC và Đại Nam. Đối với FLC, hoạt động cho vay của OCB rất chặt chẽ, rõ ràng và minh bạch, còn sai phạm chỉ mang phương diện cá nhân. Đại Nam đã có sự thay đổi tốt và trở thành khách hàng tốt của công ty.
Thảo Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN