Nhiều doanh nghiệp lãi trăm tỷ, riêng Vietnam Airlines lại ước lỗ 10.000 tỷ trong 6 tháng

Chưa kết thúc tháng 6 nhưng một số doanh nghiệp đã bắt đầu hé lộ những kết quả kinh doanh sơ bộ cho quý kinh doanh vừa qua. 
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, lãnh đạo Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) chia sẻ lãi trước thuế 6 tháng có thể đạt 600 tỷ đồng, tức khoảng 80% kế hoạch cả năm. Như vậy, riêng quý 2 SHS báo lãi hơn 260 tỷ đồng.
Năm 2021, SHS đặt kế hoạch doanh thu 1.887 tỷ đồng và lãi trước thuế 751 tỷ đồng, lần lượt tăng 5% và xấp xỉ kết quả năm 2020.
Trong kế hoạch 2021, SHS xác định đầu tư vào cổ phiếu SHB là dài hạn. Toàn bộ danh mục này được chuyển sang AFS (tài sản tài chính sẵn sàng để bán) và việc tăng giá cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) sẽ không phản ánh vào báo cáo tài chính, kết quả kinh doanh 2021.
Còn tại Gelex (GEX)Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Trọng Tiếu cho biết 6 tháng đầu năm nay các công ty sản xuất công nghiệp đều bị ảnh hưởng nặng nề do giá nguyên vật liệu đầu vào, chi phí logistics tăng và ảnh hưởng đến nguồn nhân lực.
Gelex đã có nhìn nhận vấn đề này từ cuối năm ngoái và đầu năm 2021 khi có nhiều hợp đồng dài hơi cho năm nay. Do đó có ảnh hưởng nhất định từ nguyên vật liệu đầu vào và logistics nhưng không xảy ra đứt gãy chuỗi cung ứng.
Hiện Gelex chưa tăng giá các sản phẩm chính. Tuy nhiên với tốc độ tăng giá đầu vào có thể ảnh hưởng giá thành, trên cơ sở này thì tập đoàn và các công ty thành viên sẽ xem xét việc tăng giá vào cuối năm nhưng phải đảm bảo hài hòa được lợi ích với đối tác, người lao động và cân đối mức lợi nhuận hợp lý để giữ được thị trường.
Về ước kết quả 6 tháng, Gelex dự kiến đạt hơn 12.200 tỷ đồng doanh thu, tương đương hơn 42% kế hoạch năm. Trong đó mảng thiết bị điện có doanh thu 89.092 tỷ, thực hiện 53% kế hoạch.
Trong khi mảng hạ tầng có doanh thu 456 tỷ đồng, mới thực hiện 41% kế hoạch. GEX kỳ vọng kết thúc năm 2021 có thể đạt được chỉ tiêu doanh thu.
Về chỉ tiêu lợi nhuận, dự kiến nửa đầu năm đạt 891 tỷ đồng có nguyên nhân từ hợp nhất Viglacera.
Nhieu doanh nghiep lai tram ty, rieng Vietnam Airlines lai uoc lo 10.000 ty trong 6 thang
HVN ước lỗ nặng trong 6 tháng đầu năm.
Với Dầu thực vật Tường An (TAC), ban lãnh đạo cho biết, 6 tháng đầu năm ước doanh thu 3.000 tỷ, tăng 37%; lợi nhuận trước thuế 105 tỷ, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, năm 2021, Tường An đặt mục tiêu doanh thu thuần 5.266 tỷ đồng. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế 232 tỷ đồng. Tỷ lệ chia cổ tức dự kiến là 20%.
Như vậy, sau 6 tháng, Tường An đã thực hiện được 57% kế hoạch về doanh thu và 45% về lợi nhuận.
Cũng mới đây, "vua tôm" Thủy sản Minh Phú (MPC), ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc đã chia sẻ kết quả lợi nhuận 5 tháng đầu năm với 200 tỷ đồng trước thuế.
Trong đó, cơ cấu doanh thu 5 tháng tính theo thị trường là: Nhật 22%, Mỹ 18%, Australia và New Zealand 12,84%, Canada 11,82%, Nga 7,75%, EU 5,11%, Hàn Quốc 7,13%, Hong Kong và Đài Loan 3,14% và Trung Quốc 1,07%,...
Ông Quang ước tính lợi nhuận trước thuế 6 tháng có thể đạt hơn 300 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực vận tải biển, lãnh đạo PV Trans (PVT) mới đây ước tính doanh thu nửa đầu năm đạt 3.500 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ và thực hiện 60% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế tính đến nay đat khoảng 420 tỷ đồng, tăng 10% cùng kỳ và thực hiện 84% kế hoạch năm.
Có thể thấy hầu hết các doanh nghiệp đều ghi nhận lợi nhuận khả quan so với cùng kỳ, tuy vậy trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines (HVN) dự báo lỗ lên tới 10.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm. Vietnam Airlines đang có số nợ phải trả quá hạn tới 6.240 tỷ đồng và đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản.
Riêng trong quý 1/2021, Vietnam Airlines đã lỗ ròng gần 5.000 tỷ và đang chậm thanh toán khoảng trên 6.000 tỷ cho các chủ nợ, chưa kể số đã được giãn thời hạn trả. Như vậy, số lỗ của riêng quý 2 có khả năng lên tới trên 5.000 tỷ đồng.
Kịch bản bết bát này là hoàn toàn khả thi. Số lỗ gần 5.000 tỷ đồng của quý 1 được ghi nhận trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát đợt 3 đúng vào đợt cao điểm Tết Tân Sửu, làm sụt giảm nhu cầu thăm thân.
Sang quý 2, dịch tiếp tục bùng phát thêm đợt 4 với số ca nhiễm lớn hơn cả ba đợt trước cộng lại, khiến cho lượng khách đi du lịch nghỉ mát sa sút.
Từ cuối tháng 3, Vietnam Airlines đã được Quốc hội và Chính phủ đồng ý gói cứu trợ trị giá 12.000 tỷ đồng, trong đó có 4.000 tỷ đồng từ vay với lãi suất ưu đãi và 8.000 tỷ đồng từ chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Tuy nhiên, các ngân hàng thương mại chưa nhìn thấy gói giải cứu của Chính phủ nên không cho Vietnam Airlines giải ngân tiếp hoặc không gia hạn hoặc cấp tiếp hạn mức tín dụng.
Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Vietnam Airlines hiện đang đối mặt với rủi ro kiện tụng pháp lý với số nợ quá hạn quá cao và rủi ro trong việc không cân đối trả các khoản vay ngắn hạn đến hạn tại các ngân hàng.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN