Trong báo cáo kiểm toán bán kiên năm 2022 của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), đơn vị kiểm toán nhấn mạnh, công ty có khoản lỗ luỹ kế tới 30/6 là 3.938 tỷ đồng và những vấn đề cho thấy có sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn.
Cụ thể, Hoàng Anh Gia Lai đang vi phạm một số cam kết đối với hợp đồng vay và trái phiếu. Tính tới 30/6 đang ghi nhận tổng nợ là 9.021,3 tỷ đồng, trong đó, 3.296 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 5.725 tỷ đồng nợ vay dài hạn.
Các khoản vay ngắn hạn ngân hàng gồm 691 tỷ đồng tại Sacombank; 500 tỷ đồng VPBank …; đối với trái phiếu, HAGL đang ghi nhận 5.876 tỷ đồng do BIDV và Công ty Chứng khoán BIDV thu xếp phát hành, 300 tỷ đồng do TPBank thu xếp phát hành, 300 tỷ đồng do ACBS thu xếp phát hành …
Giải trình về vấn đề này, phía Hoàng Anh Gia Lai cho biết tại ngày lập báo cáo tài chính hợp nhất bán niên năm 2022 đã được soát xét, Tập đoàn đã lập kế hoạch cho 12 tháng tiếp theo bao gồm dòng tiền dự kiến sẽ được tạo ra từ việc thanh lý một phần các khoản đầu tư tài chính, thu hồi nợ từ các đối tác, dòng tiền từ việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ, tiền đi vay các ngân hàng thương mại và dòng tiền tạo ra từ các dự án đang triển khai.
Tập đoàn cũng đang trong quá trình làm việc với các bên cho vay và việc điều chỉnh các khoản đã bị vi phạm của các hợp đồng vay và trái phiếu có liên quan. Theo đó, Tập đoàn có thể hoàn trả các khoản nợ khi đến hạn và tiếp tục hoạt động trong kỳ kế toán tiếp theo. Dựa trên các cơ sở này, Ban tổng giám đốc Hoàng Anh Gia Lai tiến hành lập báo cáo tài chính hợp nhập giữa trên cơ sở đáp ứng giả định hoạt động liên tục.
Bên cạnh đó, Tập đoàn đang tiến hành nuôi thí điểm 100.000 con gà trên diện tích 2ha tại Gia Lai, dự kiến đưa sản phẩm ra thị trường vào tháng 11/2022. Trong năm 2023, công ty sẽ sản xuất ra được 1 triệu con heo mang thương hiệu heo ăn chuối Bapi. Trong tương lai, doanh thu từ các sản phẩm chuối, heo và gà sẽ mang lại dòng tiền lớn để trả nợ và mở rộng kinh doanh.
Xét về hoạt động kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm 2022, Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận doanh thu tăng 150,6% so với cùng kỳ lên 2.030 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 522 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm công ty ghi nhận hoàn nhập dự phòng các khoản phải thu khó đòi 1.030 tỷ đồng so với cùng kỳ 266 tỷ đồng. Mặc dù ghi nhận lãi trong 6 tháng đầu năm nhưng tới 30/6, tổng lỗ luỹ kế gần 4.000 tỷ đồng.
|
Báo cáo tài chính của Petrocons tiếp tục bị kiểm toán viên từ chối đưa ra kết luận. (Ảnh: Int) |
Mới đây, Thép Pomina công bố BCTC bán niên 2022 soát xét với nhiều thay đổi so với báo cáo tự lập với kết quả chuyển từ lãi thành lỗ.
Theo đó, doanh thu thuần xấp xỉ ở mức 8.105 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế công ty mẹ nửa đầu năm nay thay đổi từ lãi hơn 8 tỷ đồng trong báo cáo tự lập thành lỗ 23 tỷ đồng sau soát xét.
Tại báo cáo hợp nhất đã soát xét, đơn vị kiểm toán nhấn mạnh vấn đề nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn là 1.008 tỷ đồng do Pomina dùng vốn ngắn hạn cho dự án lò cao khi nguồn vốn cho dự án không đủ.
Cụ thể, Pomina có 10.727 tỷ đồng nợ ngắn hạn, hầu hết là nợ vay tài chính với 7.728 tỷ đồng, trong khi tài sản ngắn hạn ở mức 9.719,1 tỷ đồng. Ngoài ra đơn vị kiểm toán cũng cho biết Pomina chưa thanh toán các khoản vay đã đến hạn cho đến ngày lập BCTC hợp nhất giữa niên độ. Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên 31/8, cổ phiếu POM đang dừng ở mức 7.500 đồng/cp (-0,1%).
Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang cũng báo lỗ 12 tỷ đồng trong nửa đầu năm, kéo dài tình hình kinh doanh thua lỗ từ cuối 2021 đến nay.
Đồng thời, kiểm toán đã đưa ra ý kiến ngoại trừ tại báo cáo soát xét 6 tháng đầu năm của Agifish và chỉ ra sự tồn tài của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Agifish.
Ngoài ra, kiểm toán viên còn nhấn mạnh về thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất liên quan đến dự án vùng nuôi Nhơn Hòa chưa được hoàn tất.
Ngày 17/8, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo duy trì hạn chế giao dịch trên hệ thống UPCoM đối với cổ phiếu AGF. Lý do Agifish bị âm vốn chủ sở hữu căn cứ BCTC bán niên 2022 đã soát xét. Chốt phiên 31/08, cổ phiếu AGF đang đứng ở mức 3.200 đồng/cp, giảm 15% qua một quý.
Trước đó, Ocean Group ghi nhận lỗ lũy kế 2.759,66 tỷ đồng, bằng 91,99% vốn điều lệ và kiểm toán nhấn mạnh yếu tố này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Ocean Group.
Được biết, trong báo cáo kiểm toán năm 2021, kiểm toán cũng nhấn mạnh nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Ocean Group do có số lỗ lũy kế tới 31/12/2021 là 2.726,42 tỷ đồng.
Tương tự, đơn vị kiểm toán bày tỏ nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Hoàng Anh Gia Lai do có khoản lỗ luỹ kế 3.938,5 tỉ đồng tính tới 30/6/2022 – bằng 42,5% vốn điều lệ doanh nghiệp, và hành vi vi phạm một số cam kết với hợp đồng vay và trái phiếu.
Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên 31/8, cổ phiếu HAG đang giao dịch ở mức 12.950 đồng/cp.
Với CTCP vận tải và thuê tàu biển Việt Nam, đơn vị kiểm toán cũng bày tỏ lo ngại khả năng hoạt động liên tục do lỗ lũy kế và nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn. Đây là lần thứ sáu liên tiếp doanh nghiệp nhận ý kiến ngoại trừ của kiểm toán tính từ năm 2016.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu VST hiện dừng ở mức 4.600 đồng/cp.
Còn Tổng công ty Cơ khí xây dựng, đơn vị kiểm toán đưa ra hàng loạt ý kiến ngoại trừ. Cụ thể, doanh nghiệp chưa trích lập đủ dự phòng nợ phải thu khó đòi với số cần trích bổ sung khoảng 16,7 tỷ đồng tính tới 30/6/2022. Con số này tại ngày 31/12/2021 là 15,7 tỷ đồng.