Tại báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023 của CTCP Nhiệt điện Phả Lại (HoSE: PPC), đơn vị kiểm toán đưa ra kết luận ngoại trừ về việc PPC phải chịu mức nộp phạt hành chính về vi phạm môi trường là 3,9 tỷ đồng cùng với hình phạt bổ sung là bị đình chỉ hoạt động trong vòng 12 tháng, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức thực hiện hình phạt bổ sung này.
Tại ngày báo cáo này, PPC đang thực hiện các biện pháp khắc phục và tiếp tục làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có thẩm quyền để PPC tiếp tục hoạt động sản xuất theo kế hoạch huy động nguồn điện. Đơn vị kiểm toán không thu thập được đầy đủ thông tin thích hợp về sử dụng giả định hoạt động liên tục trong việc trình bày báo cáo của PPC do các phương án hoạt động sẽ phụ thuộc vào phê duyệt của các cơ quan có thẩm quyền.
Về vấn đề này, PPC cho biết, công ty đang tích cực phối hợp với cấp thẩm quyền, các cơ quan chức năng thực hiện các thủ tục theo quy định về xử phạt đình chỉ hoạt động. Trong khi chờ quyết định của cấp thẩm quyền, PPC đang duy trì vận hành tối thiểu các tổ máy có hệ thống lọc bụi tĩnh điện đáp ứng, dừng các tổ máy có hệ thống lọc bụi đang bị sự cố.
Bên cạnh đó, đơn vị kiểm toán cũng nhấn mạnh, trong kỳ PPC đã thực hiện điều chỉnh hồi tố khoản doanh thu thoái hoàn chưa ghi nhận trong năm 2022.
Về vấn đề này, tháng 4/2022, đơn vị kiểm định các máy biến điện áp (TU) mới phát hiện ra sai số của các máy biến điện áp. Khi xác định số liệu quá khứ thì thấy có điểm sai số từ năm 2018. Do phần máy biến điện áp, 5 năm mới thực hiện kiểm định 1 lần.
Vì vậy đến năm 2022, bên mua và bên bán tạm thời xác định kiểm định và phát hiện sai sót từ tháng 12/2018 đến tháng 3/2022. Kể từ tháng 4/2022 đến tháng 12/2022, các bên bao PPC, Công ty Mua bán Điện, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, Công ty Truyền tải điện 1, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đã họp nhiều lần để xây dựng phương pháp tính sai số nêu trên. Sau một thời gian tính toán và hoàn thiện hồ sơ, các bên thống nhất được sản lượng, giá trị truy thu thoái hoàn.
Cụ thể, sản lượng thoái hoàn là 106,7 triệu kWh, doanh thu thoái hoàn là 185,8 tỷ đồng. Hồi tố vào số dư đầu kỳ của BCTC năm 2023 cụ thể:
Ngoài ra, trong kỳ PPC cũng đã thực hiện ghi nhận chi phí sửa chữa lớn theo thực tế phát sinh và phân bổ vào giá vốn hàng bán khi công trình sửa chữa lớn hoàn thành đưa vào sử dụng.
Về vấn đề chi phí sửa chữa lớn, tại BCTC giữa niên độ 2022, PPC ghi nhận chi phí sửa chữa lớn tài sản cố định phát sinh trong kỳ theo hướng dẫn của chế độ kế toán EVN. Theo đó, chi phí sửa chữa lớn được ghi nhận vào giá vốn hàng bán trong kỳ dựa trên kế hoạch sửa chữa lớn hàng năm được phê duyệt bởi HĐQT và được điều chỉnh vào cuối năm dựa trên cơ sở chi phí thực tế phát sinh.
Chi phí của các công trình sửa chữa lớn đã phát sinh nhưng chưa quyết toán được theo dõi trên số dư tài khoản Xây dựng cơ bản dở dang, đồng thời với tài khoản Chi phí phải trả ngắn hạn trên bảng cân đối kế toán. Khi quyết toán các công trình sửa chữa lớn TSCĐ, giá trị quyết toán sẽ được hạch toán bù trừ giữa hai khoản mục trên.
Cách hạch toán như hướng dẫn của chế độ kế toán EVN có sự khác biệt so với hướng dẫn của chuẩn mực kế toán VN số 18, mà theo đó một khoản dự phòng chỉ được ghi nhận khi doanh nghiệp có nghĩa vụ pháp lý hiện tại hoặc liên đới do kết quả của một sự kiện trong quá khứ có thể ước tính một cách đáng tin cậy, và chắc chắn sẽ làm giảm sút các lợi ích kinh tế trong tương lai để thanh toán các khoản nợ phải trả do nghĩa vụ đó.
Tại BCTC giữa niên độ cho kỳ hoạt động 6 tháng kết thúc 30/6/2023, PPC ghi nhận chi phí sửa chữa lớn theo thực tế phát sinh. Chi phí sửa chữa lớn này được ghi nhận vào giá vốn hàng bán khi công trình sửa chữa lớn hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Chi phí sửa chữa lớn của các công trình sửa chữa chưa hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng tại thời điểm cuối kỳ được theo dõi trên tài khoản chi phí đầu tư xây dựng cơ bản dở dang.