Cụ thể, tại thời điểm phát hành báo cáo, đơn vị kiểm toán chưa nhận được danh sách các nền đất còn tồn của các dự án tại ngày 31/12/2022 với giá trị 155 tỷ đồng. Các thủ tục thay thế cũng không cho phép đơn vị kiểm toán xác định tính hiện hữu cũng như giá trị thuần có thể thực hiện được của khoản mục hàng tồn kho này.
Đơn vị kiểm toán cũng không thể xác nhận số dư công nợ của khách hàng thể hiện trên khoản mục Phải thu khách hàng 805 triệu đồng và Người mua trả tiền trước 5,6 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối năm 2022, tổng tài sản của Nhà Việt Nam giảm nhẹ xuống 163 tỷ đồng, trong đó hàng tồn kho chiếm chủ yếu với 155 tỷ đồng. Hàng tồn kho chủ yếu là dự án The BCR 107 tỷ và dự án 67 nền là 18 tỷ đồng. Tiền mặt chỉ vỏn vẹn 622 triệu đồng, giảm phân nửa so đầu kỳ. Phải thu ngắn hạn của khách hàng 785 triệu đồng từ dự án khu dân cư BCR.
Hiện Nhà Việt Nam đang có nợ vay ngắn hạn gần 103 tỷ đồng. Đáng nói, đây là khoản vay tín chấp từ cá nhân bà Quách Thị Tú Anh với lãi suất từ 8-10%/năm.
Về tình hình kinh doanh, trong năm 2022, doanh thu thuần của Nhà Việt Nam xấp xỉ năm trước với 12 tỷ đồng. Thu không đủ bù chi khiến công ty lỗ ròng hơn 9,4 tỷ đồng trong khi năm 2021 vẫn có lãi tới 128 tỷ đồng nhờ đột biến lợi nhuận khác. Với mức lỗ này đã nâng lỗ luỹ kế lên 166 tỷ đồng, sắp "ngốn" hết vốn chủ sở hữu.
Ngày 27/3 tới, Nhà Việt Nam sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023 để bàn về loạt vấn đề trọng yếu. Theo đó, công ty sẽ chuyển nhượng, hợp tác một phần hoặc toàn bộ dự án The BCR; giải thể hoặc chuyển nhượng Công ty TNHH MTV The BCR; đẩy mạnh hàng tồn các dự án...