Chứng khoán Vietcap (VCSC) vừa có báo cáo phân tích ngành Điện với điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng tiêu thụ điện năm 2023/2024 lần lượt từ 5,0%/8,4% xuống 4,8% và 7,7%.
Đủ nguồn cung nhiệt điện trong 2024 ảnh hưởng tới sản lượng điện khí
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) báo cáo sản lượng điện sản xuất trong 11 tháng đầu năm 2023 đạt 257 tỷ kWh (+4% so cùng kỳ). Dựa vào đó, VCSC ước tính mức tăng trưởng tiêu thụ điện trong 11 tháng là 4% so cùng kỳ và dự báo mức tiêu thụ điện năm 2023 tăng 4,8% so cùng kỳ.
Ngoài ra, VCSC điều chỉnh giảm dự báo tốc độ tăng trưởng mức tiêu thụ điện năm 2024 của Việt Nam từ 8,4% xuống 7,7%.
VCSC dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng 7% so cùng kỳ vào năm 2024. Tuy nhiên, VCSC cũng điều chỉnh giảm giả định về tỷ lệ co giãn giữa tốc độ tăng trưởng GDP và tốc độ tăng trưởng tiêu thụ điện từ mức 1,2 lần xuống 1,1 lần (dựa trên tỷ lệ co giãn ước tính là 1,0 lần vào năm 2023) do chỉ số PMI yếu gần đây, dẫn đến mức tăng trưởng tiêu thụ điện dự kiến thấp hơn ở mức 7,7% trong năm 2024.
VCSC dự báo nguồn cung điện sẽ đủ cho năm 2024, so với tình trạng thiếu điện vào năm 2023. Đầu tháng 12/2023, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 3110. Theo đó, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu dự kiến đạt 306 tỷ kWh vào năm 2024, mà VCSC ước tính là tương đương với mức tăng 6-9% so với năm 2023.
VCSC cho rằng mức tăng này đủ đáp ứng cho nhu cầu điện vào năm 2024, dự kiến sẽ tăng 7,7% so cùng kỳ. Trong kịch bản xấu nhất, Tập đoàn Điện lực Việt Nam dự báo Miền Bắc sẽ thiếu khoảng 420 - 1.770 MW điện (1/3 lượng điện thiếu hụt trong quý 2/2023).
VCSC cũng cho rằng Bộ Công Thương có kế hoạch tăng huy động đáng kể từ các nhà máy nhiệt điện than (+25% so cùng kỳ) trong khi dự kiến giảm huy động từ điện khí (-14% so cùng kỳ) và thủy điện (-1% so cùng kỳ), và huy động sản lượng gần như năm 2023 từ năng lượng tái tạo.
VCSC điều chỉnh giảm giả định về giá thị trường phát điện cạnh tranh (CGM). Trong tháng 8 - 11/2023, giá CGM giảm so cùng kỳ và so tháng trước. Diễn biến này một phần là do sản lượng thủy điện trung bình trong các tháng này tăng 96% so với mức trung bình hàng tháng trong quý 2 và tăng 5% so cùng kỳ. VCSC điều chỉnh giảm giả định giá CGM xuống 13%/5%/1% trong năm 2023/2024/2025 xuống lần lượt 1.361 đồng/kWh (-12% YoY), 1.551 đồng/kWh (+14% YoY) và 1.676 đồng/kWh kWh (+8% YoY).
VCSC duy trì dự báo rằng giá khí khu vực Đông Nam Bộ sẽ tăng 12% YoY lên 10,2 USD/triệu BTU. Diễn biến này chủ yếu là do khí LNG nhập khẩu đắt hơn.
VCSC duy trì dự báo giá than hỗn hợp sẽ giảm 6% so cùng kỳ xuống 2,4 triệu đồng/tấn trong năm 2024 do giá than quốc tế tiếp tục giảm. Diễn biến này khiến khả năng cạnh tranh của nhà máy điện than tăng so với nhà máy điện khí.
POW, NT2, PPC và QTP được đánh giá thế nào?
Với những phân tích trên, VCSC điều chỉnh giảm 4% giá mục tiêu cho POW xuống 13.000 đồng/cp và điều chỉnh khuyến nghị từ Mua xuống Khả quan. VCSC dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2024 của POW sẽ tăng 25% so cùng kỳ nhờ sản lượng tăng trưởng mạnh 21% so cùng kỳ, chủ yếu nhờ sản lượng cao hơn từ nhà máy Vũng Áng, dự kiến sẽ hoạt động với 100% công suất trong cả năm và hưởng lợi từ giá than thấp hơn và sản lượng tốt của nhà máy Cà Mau. P/E dự kiến năm 2024 của POW là 20,5x, tương ứng PEG là 0,3 dựa trên CAGR EPS giai đoạn 2023-2025 dự kiến là 78%.
Trong khi đó, VCSC điều chỉnh giảm giá mục tiêu 11% cho NT2 và điều chỉnh khuyến nghị từ Mua xuống xuống Phù hợp thị trường.
Ngược lại, VCSC điều chỉnh tăng 1,3% giá mục tiêu cho PPC lên 15.400 đồng/cp và duy trì khuyến nghị Khả quan. Lợi suất cổ tức trong năm 2024 tương ứng ở mức giá mục tiêu là 13%.
Ngoài ra, VCSC có quan điểm tích cực về QTP, công ty liên kết sở hữu 16% của PPC, vì cho rằng QTP được lợi nhiều nhất trong số các công ty mà VCSC theo dõi từ triển vọng tiêu thụ điện mạnh tại Miền Bắc. QTP đang giao dịch ở mức P/E năm 2024 là 7,5 lần, thấp hơn khoảng 47% so với P/E trung bình của các cổ phiếu nhiệt điện trong khi lợi suất cổ tức dự kiến cao hơn 2 lần. VCSC ước tính giá trị hợp lý là 16.900 đồng/cp, tương ứng với tổng mức sinh lời dự phóng là 33,7% bao gồm lợi suất cổ tức 14,7%.