Chứng khoán Yuanta vừa có báo cáo đánh giá tác động việc giảm 50% phí trước bạ ôtô lần thứ 3 lên các doanh nghiệp trong ngành.
Liên quan đến chính sách hỗ trợ cho ngành sản xuất ô tô trong nước, theo thông tin từ Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Chính phủ nhất trí với kiến nghị giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, đối với việc giảm 2% thuế GTGT theo Nghị quyết 43, Bộ trưởng chỉ rõ ô tô là mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, không thuộc phạm vi của Nghị quyết 43 cho nên không đưa ô tô vào giảm thuế, bởi chính sách này chủ yếu áp dụng lĩnh vực thiết yếu.
Trước đó, đã có 2 lần Chính phủ đồng ý giảm 50% thuế trước bạ cho ô tô sản xuất trong nước là 28/6/2020 - 31/12/2020; và 1/12/2021 - 31/5/2022.
Số liệu từ VAMA cho thấy doanh số ô tô lắp ráp trong nước (CKD) hầu như tăng mạnh vượt trội so với xe ô tô nhập khẩu (CBU) ngay sau khi áp dụng chính sách giảm 50% thuế trước bạ. Tính riêng đối với xe CKD, doanh số trung bình tăng khoảng 30-60% so với các tháng không áp dụng chính sách giảm thuế trước bạ.
Thị trường ô tô của Việt Nam tăng trưởng nhanh hàng đầu châu Á
Theo thống kê Tổ chức quốc tế các nhà sản xuất xe có động cơ (OICA), tốc độ tăng trưởng trung bình của doanh số bán ô tô của Việt Nam giai đoạn 2018- 2022 đạt 7,5%/năm, thuộc hàng cao nhất châu Á, thấp hơn Ả Rập Saudi (8,8%/năm).
Trong khi đó, ở nhiều nước, tốc động tăng trưởng này thậm chí còn ở mức âm như Thái Lan (âm 14%/năm), Pakistan (âm 2,8%/năm). Biểu đồ bên dưới không bao gồm 4 nước có doanh số ô tô 2022 vượt trội (để tránh so sánh không tương xứng) là Trung Quốc (23,6 triệu xe, CAGR -0,1%/năm), Ấn Độ (3,8 triệu xe, CAGR +2,2%/năm), Nhật (3,4 triệu xe, CAGR -4,7%/năm), Hàn Quốc (1.4 triệu xe, CAGR -1,4%/năm), tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng bình quân vẫn thấp hơn thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, do tác động từ kinh tế vĩ mô cũng như lãi suất vay tăng cao, tổng doanh số ô tô 4T/2023 chỉ đạt 92,8 nghìn chiếc, giảm 30% so cùng kỳ. Trong đó, xe lắp ráp trong nước bị ảnh hưởng mạnh hơn, đạt 50 nghìn chiếc (giảm 39%), xe nhập khẩu đạt 42,8 nghìn chiếc (giảm 16%).
Do đó, theo Yuanta, kiến nghị giảm 50% lệ phí trước bạ lần này kỳ vọng sau khi chính thức được thông qua sẽ tác động tích cực đến doanh số ô tô lắp ráp trong nước.
Lãi suất cho vay đang trong xu hướng giảm sẽ hỗ trợ kích cầu ô tô
Trong một diễn biến liên quan, lãi suất liên ngân hàng tiếp tục xu hướng giảm từ đầu năm đến nay. Các NHTM cũng đã tiếp tục giảm lãi suất huy động các kỳ hạn trong tháng 5. Hiện tại mặt bằng chung lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng niêm yết tại các NHTM đã rơi xuống mức dưới 8%/năm.
Lãi suất cho vay vẫn chưa giảm nhiều do có độ trễ. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước vừa qua cũng đã yêu cầu các NHTM giảm lãi suất cho vay bằng cách sử dụng room tín dụng để quản lý.
Theo đó, Yuanta cho rằng lãi suất đang tiếp tục xu hướng giảm, tuy nhiên, lãi suất cho vay giảm có độ trễ do tăng trưởng tín dụng đang khá chậm. Yuanta kỳ vọng đến Q3/2023 lãi suất có thể giảm đi đáng kể khi NHTW các nước dừng nâng lãi suất.
Theo đó, lãi suất cho vay có thể giảm rõ hơn từ Q3/2023 sẽ hỗ trợ kích cầu ô tô đối với các khách hàng vay mua xe. Ngoài ra, theo khảo sát của Yuanta, các NHTM hiện tại cũng đã giảm mạnh lãi suất cho vay ưu đãi năm đầu (so với Q1/2023) đối với các khách hàng mua ô tô ở một số hãng nhất định.
Nên lưu ý cổ phiếu nào?
CTCP Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (Haxaco, HoSE: HAX): Kỳ vọng hồi phục cùng thị trường, định giá hấp dẫn
Quý 1/2023, HAX ghi nhận doanh thu 993 tỷ đồng, giảm 40% so cùng kỳ chủ yếu do doanh thu bán xe giảm 45% xuống 862 tỷ đồng, trong khi doanh thu bảo dưỡng và sữa chữa vẫn tăng 20% lên 125 tỷ đồng. Yuanta lưu ý mức giảm này vẫn tốt hơn trung bình ngành khi tổng doanh số xe Mercedes trong Q1/2023 giảm mạnh 65% xuống 689 xe. Lợi nhuận sau thuế đạt 3,5 tỷ đồng, lao dốc 94% so cùng kỳ.
HAX là đại lý phân phối xe Mercedes-Benz số 1 thị phần tại Việt Nam, chiếm khoảng 40%. Kết quả kinh doanh Q1/2023 của HAX bị ảnh hưởng nặng khi nhu cầu ô tô toàn thị trường giảm mạnh và lãi suất vay cao.
Yuanta kỳ vọng kết quả kinh doanh của HAX có thể hồi phục sau khi quy định giảm 50% thuế trước bạ được áp dụng do xe Mercedes chủ yếu là được lắp ráp trong nước nên sẽ được hưởng lợi từ quy định này. Ngoài ra, lãi suất cho vay đang giảm sẽ tạo động lực hồi phục cho HAX.
Cổ phiếu HAX đang giao dịch tại P/E thấp hơn trung bình 2 năm, tuy nhiên, P/B đang ở mức trung bình 2 năm -1SD nên theo Yuanta đánh giá là khá hấp dẫn cho trung hạn. Nhà đầu tư có thể tích lũy trong các nhịp điều chỉnh.
Tổng Công ty Máy Động lực và Nông nghiệp Việt Nam (VEAM, UPCoM: VEA): Hưởng lợi không quá lớn nhưng rủi ro thấp, cổ tức tốt, định giá hấp dẫn để tích lũy
Quý 1/2023 VEA ghi nhận doanh thu 1.011 tỷ đồng, giảm 11% so cùng kỳ. Lợi nhuận từ công ty liên doanh/liên kết đạt 1.175 tỷ đồng, giảm 11%. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.372 tỷ đồng, cũng giảm 7%.
Kết quả kinh doanh của VEA bị ảnh hưởng tiêu cực khi nhu cầu ô tô giảm. Tuy nhiên, mức giảm là nhẹ hơn các doanh nghiệp cùng ngành khác do VEA liên doanh với Honda và Toyota Việt Nam và sức mua đối với 2 hãng xe hàng đầu này bị ảnh hưởng thấp hơn so với các hãng xe khác. Ngoài ra, lợi nhuận Honda Việt Nam chủ yếu đến từ xe máy, bị ảnh hưởng ít hơn ô tô.
Lợi nhuận VEA chủ yếu đến từ 2 công ty liên doanh/liên kết là Honda và Toyota Việt Nam. Yuanta kỳ vọng kết quả kinh doanh của VEA có thể hưởng lợi theo quy định giảm 50% thuế trước bạ do xe ô tô Toyota và Honda chủ yếu là được lắp ráp trong nước. Tuy nhiên, do lợi nhuận Honda Việt Nam chủ yếu đến từ mảng xe máy nên sẽ không hưởng lợi nhiều như các hãng xe ô tô khác.
Điểm tích cực là doanh số xe máy của Honda VN bắt đầu phục hồi 33% so tháng trước và tăng 13% so cùng kỳ trong tháng 4.
Ưu điểm đối với VEA là lợi thế về 2 thương hiệu Honda, Toyota đã quá quen thuộc với người Việt Nam nên kết quả kinh doanh không biến động nhiều lúc thị trường khó khăn. Hệ số vay nợ thấp. Theo đó, rủi ro khá thấp.
Cổ phiếu VEA đang giao dịch tại mức P/E và P/B đều tương đương trung bình 2 năm -2SD nên khá hợp lý để tích lũy cổ phiếu cho trung hạn.