Năm thứ 4 liên tiếp kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến cho báo cáo tài chính của PVR Hà Nội

Đơn vị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến cho báo cáo tài chính kiểm toán của CTCP Đầu tư PVR Hà Nội (UPCoM: PVR). Như vậy, đây là năm thứ 4 liên tiếp báo cáo tài chính của PVR không được kiểm toán đưa ra ý kiến.
Có hàng loạt lý do mà đơn vị kiểm toán từ chối cho ý kiến liên quan đến báo cáo tài chính của năm trước tức 2019.
Cụ thể, PVR chưa kê khai tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đầy đủ đối với khoản tiền nhận đặt cọc với khách hàng cho dự án Văn Phú theo quy định.
PVR chưa thực hiện xem xét trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư tài chính dài hạn vào CTCP Đầu tư Phát triển Bình An số tiền hơn 205 tỷ đồng. Bên cạnh đó, kiểm toán viên không thể đưa ra được tính đúng đắn của hợp đồng chuyển nhượng cổ phần tại Bình An ngày 30/6/2011 giữa CTCP Khách sạn và Du lịch Đại Dương (OCH) và PVR Hà Nội, cũng như không thể xác định được liệu các cổ đông sáng lập và cổ đông phổ thông của Bình An đã góp đủ vốn.
PVR chưa thu thập được biên bản đối chiếu xác nhận các khoản đầu tư tài chính vào CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam và CTCP Khách sạn Dầu khí Lam Kinh tại thời điểm cuối năm 2019 lần lượt là 21 tỷ và 5 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối năm 2019, PVR chưa đánh giá hiệu quả và giá trị thu hồi đối với dự án CT10 - 11 Văn Phú đang thi công dở do chậm tiến độ. Giá trị chi phí thi công dở dang của dự án này tại thời điểm cuối năm 2018 là 692 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các khoản đầu tư tài chính, công nợ phải thu và phải trả của PVR tại thời điểm cuối năm 2019 chưa được đối chiếu, xác nhận đầy đủ. Các số dư cụ thể như đầu tư tài chính là gần 254 tỷ, nợ phải thu hơn 36 tỷ, nợ phải trả 493 tỷ.
Kiểm toán viên cũng không thu thập được đầy đủ bằng chứng về việc liệu có cần thiết phải trích lập dự phòng đối với các khoản công nợ phải thu khó đòi hay không.
Theo kiểm toán viên, các vấn đề này PVR vẫn chưa khắc phục được niên vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến báo cáo tài chính năm 2020. Ngoài ra, một số nội dung có số liệu thay đổi luỹ kế và phát sinh mới đến thời điểm cuối năm 2020.
Cụ thể như giá trị chi phí đầu tư xây dựng cơ bản dở dang của dự án khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên luỹ kế gần 25 tỷ. Kiểm toán chưa thu thập được đầy đủ hồ sơ, bằng chứng về hiệu quả đầu tư, định hướng triển khai cụ thể của công ty để đánh giá khả năng xảy ra tổn thất đối với chi phí đầu tư của dự án này, cũng như đánh giá việc có cần thiết phải điều chỉnh chi phí lãi vay của PVR đã vốn hoá vào dự án hay không.
Đối với dự án CT10 - 11 Văn Phú, giá trị chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tăng thêm 152 tỷ đồng, luỹ kế cuối 2020 là 692 tỷ. Chi phí bán hàng đang theo dõi trên khoản mục chi phí trả trước là hơn 7,3 tỷ.
Nam thu 4 lien tiep kiem toan tu choi dua ra y kien cho bao cao tai chinh cua PVR Ha Noi
 
PVR chưa thể đánh giá một cách chính xác hiệu quả đầu tư của dự án này do các thông số tính toán theo thị trường tại thời điểm hiện tại chưa đầy đủ và có thể còn biến động. Theo đó, PVR chưa thể xác định hiệu quả và giá trị thu hồi đối với chi phí dở dang của dự án này. 
Năm 2020, PVR kinh doanh dưới giá vốn khiến lợi nhuận sau thuế tiếp tục ghi âm 2,8 tỷ đồng, nâng lỗ luỹ kế đến cuối năm lên con số 75 tỷ đồng. Tổng tài sản hiện đã giảm 42 tỷ đồng xuống mức 1.000 tỷ đồng, trong đó hàng tồn kho "ngốn" hết 692 tỷ, đầu tư góp vốn vào đơn vị khác 227 tỷ...
Hàng loạt vấn đề kéo dài từ năm này qua năm khác là vậy, song ban lãnh đạo PVR cho biết báo cáo tài chính được lập trên cơ sở hoạt động liên tục và sẽ tiếp tục hoạt động kinh doanh bình thường trong tương lai gần, không có ý định ngừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô.
PVR có vốn điều lệ 531 tỷ đồng, trong đó, cổ đông lớn nhất là bà Trần Thj Thắm với 23,51%, Công ty TNHH VNT với 15,35%, Tập đoàn Đại Dương 9,5%, GPBank 5,6%...
Nam thu 4 lien tiep kiem toan tu choi dua ra y kien cho bao cao tai chinh cua PVR Ha Noi-Hinh-2
 
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN