Tập đoàn Dệt may Việt Nam hoạt động theo cấu trúc tập đoàn mẹ - con: tập đoàn sở hữu 33 công ty con cấp 1, cấp 2, cấp 3 và 34 công ty liên kết với nhiều công ty lớn trong ngành: TCT CP Phong Phú, TCT May Việt Tiến, TCT May 10,…
Không chỉ vậy, VGT hiện đang sử dụng nhiều mảnh đất “vàng” tại trung tâm các thành phố lớn.
Tuy hầu hết các lô đất Tập đoàn đang sở dụng đều đang được thuê theo hình thức trả tiền hàng năm, BSC cho rằng Tập đoàn vẫn có khả năng chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ văn phòng, nhà xưởng sang văn phòng trung tâm thương mại.
Với hơn 12,000 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực Dệt may, BSC cho rằng Tập đoàn Dệt may Việt Nam thuộc nhóm các doanh nghiệp đầu ngành với quy mô doanh thu khoảng 16,000 tỷ/năm. Do đó, triển vọng kinh doanh của Tập đoàn Dệt may gắn liền với triển vọng của ngành Dệt may trong năm 2021.
VGT sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021
BSC kỳ vọng rằng trong năm 2021, hoạt động kinh doanh của VGT sẽ hồi phục mạnh mẽ nhờ (i) Mảng sợi được hưởng lợi bởi làn sóng hàng hóa tăng giá (ii) Mảng may phục hồi nhờ các đơn hàng truyền thống quay lại và chuỗi cung ứng không bị đứt gãy.
Với sản phẩm là các loại sợi (bao gồm sợi tự nhiên và sợi nhân tạo), mảng sợi của VGT được hưởng lợi từ việc giá bán tăng, đồng thời, các công ty thành viên thuộc VGT giảm ảnh hưởng tiêu cực do giá đầu vào tăng. BSC lưu ý rằng giá sợi trung bình tại Trung Quốc trong quý 2, quý 3 năm 2020 ở mức nền rất thấp.
Hầu hết các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam đều đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận dương, tuy nhiên, BSC cho rằng các công ty thành viên đặt kế hoạch kinh doanh khá thận trọng trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Ngoài ra, trong năm 2021, BSC cho rằng các doanh nghiệp dệt may không gặp phải vấn đề nguồn nguyên liệu bị đứt gãy. Do 63% giá trị nguyên vật liệu dệt may được nhập khẩu từ Trung Quốc nên khi dịch bệnh bùng phát đầu năm 2020, chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn đáp ứng đơn hàng.
Năm 2021, thương mại giữa hai quốc gia đã được cải thiện nhờ việc kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, đảm bảo nguồn nguyên phụ liệu được cung ứng liên tục, kịp thời.
Cập nhật kết quả kinh doanh quý 1 năm 2021: Doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý 1 lần lượt đạt 3,377 tỷ (-14.8% YoY) và 200 tỷ (+28% YoY). Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ mức 9.2% lên 11.4% cùng với chi phí lãi vay giảm mạnh xuống 61 tỷ (-36% YoY) giúp cho lợi nhuận được phục hồi.
BSC cho rằng mức biên được cải thiện nhờ các doanh nghiệp Dệt may có cơ hội lựa chọn được các đơn hàng có mức biên khả quan và chi phí đầu vào chưa phản ánh trong quý 1.
Dự phóng kết quả kinh doanh năm 2021: BSC dự phóng doanh thu và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ của VGT năm 2021 lần lượt đạt 15,900 tỷ (+13.8% YoY) và 436 tỷ (+33.0% YoY) dựa trên các giả định
(i) Doanh thu liên quan đến vải, sợi, sản xuất quần áo tăng 16% YoY (ii) Doanh thu hoạt động gia công tăng 18% YoY (iii) Lợi nhuận từ công ty liên doanh liên kết tăng 10% YoY.
Nhà đầu tư có thể nắm giữ trung hạn với giá mục tiêu 22.500 đồng/cp
VGT đang dần chuyển sang trạng thái hồi phục sau khi có giai đoạn giảm giá trong tháng 3 và tháng 4. Thanh khoản cổ phiếu trong những tuần gần đây đang có chiều hướng tăng dần cho thấy sự quan tâm trở lại của các nhà giao dịch đối với VGT ở thời điểm hiện tại.
Các chỉ báo kỹ thuật của cổ phiếu hiện vẫn đang ở trong trạng thái trung lập. Nếu nhìn theo phân tích Fibonacci, VGT có thể hướng về ngưỡng Fib 78.6% tương ứng với vùng giá 18.5-19 trước khi tiếp tục bứt phá lên trên mốc 20.
Khuyến nghị: Nhà đầu tư có thể mua cổ phiếu và cân nhắc nắm giữ trong trung hạn với mục tiêu nằm tại vùng giá 22.5, cân nhắc cắt lỗ nếu ngưỡng hỗ trợ 14 bị xuyên thủng.