CTCP Tập đoàn Masan (HoSE: MSN) công bố kết quả kinh doanh năm 2022 với doanh thu thuần đạt 76.189 tỷ đồng, tăng 2,6% so năm 2021. Kết quả này có được sau khi loại trừ doanh thu từ mảng thức ăn chăn nuôi năm 2021 để so sánh tương đương (do đã chuyển giao mảng kinh doanh này). Còn trên cơ sở báo cáo, doanh thu giảm 14% trong năm 2022 và 13,4% trong quý 4/2022.
Trên cơ sở so sánh tương đương, EBITDA năm 2022 của Masan đạt 14.437 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,2% so với cùng kỳ năm trước, biên EBITDA năm 2022 đạt 18,9% so với mức 19,7% của năm 2021 trong khi doanh thu đi ngang. Trên cơ sở báo cáo, EBITDA hợp nhất năm 2022 giảm 11,8% trong năm 2022 và 28,1% trong quý 4/2022.
Trong năm 2022, LNST sau lợi ích cho cổ đông không kiểm soát (“NPAT Post-MI”) giảm 58,3%, đạt 3.567 tỷ đồng trên cơ sở báo cáo, chủ yếu do khoản thu nhập một lần từ việc chuyển giao mảng thức ăn chăn nuôi trong quý 4/2021 và LNST năm 2022 của MML và MHT thấp hơn.
Tuy nhiên, LNST trước lợi ích cho cổ đông không kiểm soát (“NPAT Pre-MI” ) ở mảng kinh doanh chính trên cơ sở LFL đạt 3.852 tỷ đồng năm 2022, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước. Trên cơ sở báo cáo, NPAT Post-MI đạt 4.754 giảm 52,9%. Mức giảm 52,9% chủ yếu do không còn ghi nhận lợi nhuận từ mảng thức ăn chăn nuôi.
Phân tích Bảng cân đối kế toán, tỷ lệ Nợ ròng trên EBITDA (trong 12 tháng qua) là 3,7 lần vào cuối năm 2022, tăng so với mức 2,2 lần tại cuối năm 2021.
Theo Masan, số dư nợ cao hơn và lượng tiền mặt thấp hơn do chi phí vốn và các khoản đầu tư vào các công ty mới. Trong bối cảnh thị trường vốn đầy biến động hiện nay, các nền tảng của Masan có hoạt động cốt lõi tập trung vào mảng tiêu dùng với khả năng tạo ra dòng tiền vững chắc có nhiều ưu thế để tiếp cận thị trường vốn trong nước và quốc tế với chi phí và điều khoản rất ưu đãi. Do bản chất hoạt động kinh doanh của Masan không phụ thuộc vào tính chu kỳ, Ban điều hành tin rằng Masan sẽ thuận lợi quản lý tốt thanh khoản trong vài tháng tới.
Bởi tiền và các khoản tương đương tiền đang có là 17.512 tỷ đồng vào cuối năm 2022, thấp hơn so với mức 22.638 tỷ đồng vào cuối năm 2021, do việc mua cổ phần PLH và Nyobolt.
Nợ ròng cuối kỳ năm 2022 ghi nhận 53.481 tỷ đồng, tăng so với mức 35.540 tỷ đồng vào cuối năm 2021, do lượng tiền mặt giảm.
CAPEX tăng từ 2.805 tỷ đồng trong năm 2021 lên 4.165 tỷ đồng trong năm 2022. CAPEX cao hơn chủ yếu là do đầu tư mở rộng công suất cho MCH và mở cửa hàng cho WCM.
Năm 2023, doanh thu thuần hợp nhất từ 90.000 - 100.000 tỷ đồng
Theo dự báo sơ bộ, có thể thay đổi theo quyết định phê duyệt của Tập đoàn và tình kinh kinh tế vĩ mô, trong năm tài chính 2023, doanh thu thuần hợp nhất của Tập đoàn Masan ước tính sẽ từ 90.000 tỷ đồng – 100.000 tỷ đồng, tăng trưởng 18% - 31% so với mức 76.189 tỷ đồng trong năm 2022.
TCX vẫn sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng doanh thu, đóng góp hơn 70% vào tổng doanh thu. NPAT Pre-MI ở các mảng kinh doanh chính (chưa bao gồm khoản thu nhập 1 lần) dự kiến sẽ nằm trong khoảng 4.000 tỷ - 5.000 tỷ đồng, đạt tỉ lệ tăng trưởng từ 4% đến 30% so với mức 3.852 tỷ đồng trong năm 2022. Trong trường hợp các điều kiện kinh tế vĩ mô xấu hơn như dự kiến và tâm lý thắt chặt chi tiêu vẫn tiếp diễn, Ban điều ành ước tính doanh thu sẽ tăng trưởng trong khoảng từ 10% đến 15%.
TCX dự kiến đạt doanh thu thuần trong khoảng 65.000 tỷ đồng đến 72.300 tỷ đồng, tăng 16% đến 29% so với năm 2022.
PLH dự kiến sẽ đạt mức doanh thu thuần từ 2.500 tỷ đồng đến 3.000 tỷ đồng, tăng trưởng vững chắc từ 58% đến 90% so với năm 2022 nhờ mở thành công từ 75 đến 90 cửa hàng flagship và duy trì hiệu quả doanh thu của cửa hàng mới như cửa hàng hiện có.
MML dự kiến đạt doanh thu thuần trong khoảng từ 8.500 tỷ đến 9.000 tỷ đồng, tăng 78% đến 88% so với cùng kỳ năm trước.
MHT dự kiến đạt doanh thu thuần từ 16.500 tỷ đồng đến 18.200 tỷ đồng, tăng 6% đến 17% so với cùng kỳ năm trước.