Làn sóng thay lãnh đạo thượng tầng ở các tập đoàn lớn

Thời gian gần đây, làn sóng thay máu các lãnh đạo thượng tầng tại các doanh nghiệp niêm yết diễn ra ồ ạt. Có người do HĐQT miễn nhiệm khi chưa hết nhiệm kỳ, có người xin từ nhiệm vì tuổi cao sức yếu.

Ông Nguyễn Trọng Thông (sinh năm 1953), nhà sáng lập vừa xin từ chức chức Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hà Đô (Mã: HDG) vì tuổi tác, sức khoẻ. Ông Thông đã ngồi ghế nóng tại Hà Đô từ thập kỉ 90 của thế kỉ trước tới nay.

Hiện tại, ông Thông là cổ đông cá nhân nắm giữ cổ phiếu HDG nhiều nhất với hơn 97,3 triệu cổ phiếu HDG, tương ứng tỷ lệ 31,83% vốn công ty, tương đương khối tài sản 2.800 tỷ đồng.

Hiện tại, người sẽ thay thế ngồi vị trí Chủ tịch HĐQT Hà Đô chưa được công bố. Ông Nguyễn Trọng Thông có ba người con là Nguyễn Trọng Minh, Nguyễn Trọng Thùy Vân và Nguyễn Trọng Vân Hà. Trong đó, ông Nguyễn Trọng Minh đang là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc tại Tập đoàn Hà Đô.

Lan song thay lanh dao thuong tang o cac tap doan lon
Ông Nguyễn Trọng Thông xin từ nhiệm Chủ tịch Hà Đô. 
Tương tự, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex – Mã: VCG) cũng nhận được đơn từ chức vụ Chủ tịch HĐQT của ông Đào Ngọc Thanh kể từ ngày 26/7. Ông Thanh xin từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân và vì tuổi cao. Được biết, ông Thanh giữ chức Chủ tịch HĐQT Vinaconex từ năm 2019.

Dù rút khỏi HĐQT, nhưng ông Thanh sẽ chuyển sang vị trí mới là Chủ tịch Hội đồng chiến lược. Theo công ty, Hội đồng Chiến lược có chức năng nghiên cứu, đánh giá toàn diện về hoạt động sản xuất kinh doanh của tổng công ty; đề xuất các nội dung liên quan đến chiến lược, định hướng phát triển Tổng Công ty.

Ông Lương Trí Thìn cũng vừa thôi chức Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đất Xanh (Mã: DXG) từ ngày 3/7 và chuyển sang làm Chủ tịch Hội đồng chiến lược của tập đoàn.

Giữa thông tin chủ động xin từ chức, ông Thìn cùng ông Đỗ Văn Mạnh, Tổng giám đốc Đất Xanh Services – công ty thành viên của Đất Xanh bị nhà đầu tư tố cáo về hành vi chiếm đoạt 44,8 tỷ đồng thông qua việc phát hành trái phiếu. Ngay sau đó, Đất Xanh đã khẳng định những nội dung tố cáo nêu trên hoàn toàn sai sự thật.

Lan song thay lanh dao thuong tang o cac tap doan lon-Hinh-2
Ông Lương Trí Thìn. 

Một doanh nghiệp bất động sản khác cũng có Chủ tịch xin rút lui là CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land – Mã: SCR). Ngày 12/4, bà Huỳnh Bích Ngọc đã có đơn từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân. Bà Ngọc từng giữ vị trí Phó Chủ tịch và mới trở lại vị trí Chủ tịch HĐQT công ty từ năm 2022.

Bà Ngọc cũng vừa dừng chức Chủ tịch HĐQT tại CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC AgriS – Mã: SBT) để nhường vị trí cho con gái là Đặng Huỳnh Ức My vào giữa tháng 7.

Ngay sau khi bà My thay mẹ lên ngồi ghế Chủ tịch của TTC AgriS, ban điều hành của công ty cũng có sự thay máu.

HĐQT đã miễn nhiệm với chức Phó Tổng Giám đốc đối với ông Huỳnh Văn Pháp và Nguyễn Quốc Việt. Đồng thời, HĐQT đã bổ nhiệm bà Đoàn Vũ Uyên Duyên, ông Trần Quốc Thảo và bà Nguyễn Thị Phương Thảo vào vị trí này trong thời hạn 12 tháng, tính từ ngày 17/7.

Vị trí Tổng Giám đốc của TTC AgriS cũng được thay, từ ông Nguyễn Thanh Ngữ sang ông Thái Văn Chuyện, trong thời hạn 1 năm.

Lan song thay lanh dao thuong tang o cac tap doan lon-Hinh-3
Bà Đặng Huỳnh Ức My thay mẹ làm Chủ tịch TTC AgriS.

Một trường hợp đặc biệt diễn ra tại CTCP Sông Đà 11 (Mã: SJE) khi ông Phạm Văn Tuyền  xin từ nhiệm chức Phó Tổng Giám đốc. Theo đơn xin từ nhiệm ông Tuyền bày tỏ niềm tự hào khi đang là 1 thành viên của Công ty Cổ phần Sông Đà 11. Song, ông Tuyền cho biết, ông thấy trình độ, năng lực, khả năng của bản thân không phù hợp với công việc đang được giao và định hướng phát triển của công ty. Và một phần vì lý do cá nhân nên ông Tuyền đã từ nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc công ty.

Hay HĐQT CTCP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest – Mã: HPX) cũng đã thông báo miễn nhiệm ông Đoàn Hòa Thuận khỏi vị trí Tổng Giám đốc theo nguyện vọng cá nhân. Ông Thuận đưa lý do vì có sự khác biệt về quan điểm quản trị và điều hành công ty nên ông Thuận không thể tiếp tục thực hiện và tham gia vào các công việc của Tổng Giám đốc.

Tương tự, ông Đàm Mạnh Cường đã có đơn xin từ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House – Mã: TDH) vì tự thấy không đáp ứng tiêu chí của HĐQT mới.

"Đây là khoảng thời gian rất khó khăn của  Thuduc House khi một mặt phải giải quyết các tồn đọng từ vụ án linh kiện điện tử để lại, một mặt phải thể hiện quan điểm cứng rắn trong thực hiện thủ tục pháp lý, giành lại quyền kiểm soát hợp pháp tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức", ông Cường nói.

Đồng thời thời gian, Thuduc House cũng có sự thay đổi về cổ đông lớn và các thành viên hội đồng quản trị mới. Đây là nguyên nhân chính khiến ông Cường đi đến hành động xin từ nhiệm.

Không những tại các công ty bất động sản, làn sóng từ nhiệm lãnh đạo cấp cao còn diễn ra ở các doanh nghiệp sản xuất.

HĐQT của Tập đoàn Lộc Trời (Mã: LTG) đã miễn nhiệm Tổng giám đốc Nguyễn Duy Thuận. Vị Chủ tịch sẽ tạm thời trực tiếp chỉ đạo và điều hành tất cả các hoạt động của tập đoàn này cho đến khi có quyết định bổ nhiệm tổng giám đốc mới.

Việc miễn nhiệm này diễn ra trong bối cảnh Lộc Trời đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhiều lùm xùm. Công ty này từng vướng vào vụ nợ hàng trăm tỷ đồng tiền lúa của nông dân ở An Giang và một số địa phương khác ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Sau đó, tập đoàn đã hoàn tất việc thanh toán toàn bộ số tiền thu mua lúa còn thiếu, thực hiện đúng cam kết với bà con nông dân và chính quyền địa phương.

Lộc Trời lý giải việc chậm trễ trong thanh toán là do gặp khó khăn trong việc thu xếp dòng tiền từ các khoản vay ngân hàng, trong khi các khách hàng quốc tế cũng chậm thanh toán. Để giải quyết vấn đề, công ty chấp nhận bán lúa với giá thấp để nhanh chóng có tiền trả nợ và đẩy nhanh tiến độ làm việc với các ngân hàng, đối tác nhằm giải ngân cho nông dân.

Ngoài ra, tập đoàn xuất khẩu gạo hàng đầu Việt Nam còn liên quan đến thương vụ bỏ giá thấp hơn thị trường và thấp hơn giá chào mua của Indonesia để trúng hợp đồng cung ứng 100.000 tấn gạo cho nước này.

Lan song thay lanh dao thuong tang o cac tap doan lon-Hinh-4
Ông Nguyễn Duy Thuận thôi chức Tổng giám đốc Lộc Trời.
CTCP Dược Cửu Long (Mã: DCL) vừa thông báo về đơn từ nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc của ông Lương Trọng Hải với “lý do cá nhân nên không thể bố trí thời gian để tham gia đầy đủ các hoạt động Công ty trên cương vị Tổng Giám đốc”.
Ông Hải được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc của Dược Cửu Long từ ngày 1/9/2022, sau sự cố dàn lãnh đạo cũ của Dược Cửu Long bị khởi tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Trong vài tháng trở lại đây, các nhân sự cấp cao của Dược Cửu Long cũng đồng loạt xin từ nhiệm.

Bà Lê Thị Thương xin từ nhiệm Thành viên Ban Kiểm soát, còn bà Tưởng Thị Thu Hạnh cũng xin từ nhiệm Thành viên HĐQT. Bà Nguyễn Ngọc Bích cũng có đơn xin rút lui HĐQT. Cả ba bà đều vì lý do cá nhân không bố trí được thời gian để tham gia đầy đủ và sát sao công việc.

Ngày 28/6, ông Trần Khiêm, người đang giữ chức Phó Tổng Giám đốc sản xuất của Dược Cửu Long cũng bất ngờ xin từ nhiệm vì lý do cá nhân.

Ngay sau khi đơn từ nhiệm của 4 nhân sự cấp cao nói trên được thông qua, HĐQT Dược Cửu Long đã bổ nhiệm những người thay thế.

Diễm Phương

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN