Phiên tòa xét xử Trịnh Văn Quyết vừa gây xôn xao giới đầu tư khi kiểm sát viên đề xuất mức án hơn 24 năm sau khi đã làm rõ và đánh giá tích cực về khả năng/cam kết khắc phục hậu quả với số tiền hơn 4.000 tỷ của bị cáo Trịnh Văn Quyết. Xôn xao vì vụ án có hàng vạn bị hại kiêm nhà đầu tư (mua cổ phiếu của FLC, Faros) khi mà trước đó có tin nhiều nhà đầu tư xin giảm nhẹ hình phạt cho Quyết.
Trong khi chờ máy bay từ Quy Nhơn về Hà Nội, một chị bạn, cũng là người sở hữu hàng vạn cổ phiếu trong hệ sinh thái của Trịnh Văn Quyết, đọc tin về vụ án qua điện thoại đã viết một bài dài thể hiện sự xót xa về thảm trạng hoang tàn của các dự án FLC tại Bình Định.
Chị dẫn lời kể của một người dân sống gần FLC Quy Nhơn, tiếc nhớ về một thời hoàng kim với các khu nhà, hạng mục giải trí mọc lên giữa vùng gió cát cằn cỗi. Rồi khách du lịch, nhà đầu tư ùn ùn kéo tới đem theo công ăn việc làm, thu nhập và cả nụ cười rạng rỡ cho cộng đồng. "Chị ra Hà Nội làm giùm dân chúng tôi lá đơn, mong cho chú ấy sớm về để khởi động lại các dự án, nom xót xa quá".
Đơn xin giảm nhẹ: Tại sao?
Vậy tại sao lại có chuyện bị hại xót xa cho bị cáo Quyết và các đồng phạm thuộc tập đoàn FLC? Hơn thế, điều đáng chú ý là có một nhóm nhà đầu tư đã viết đơn xin giảm nhẹ hình phạt và khoan hồng cho nhóm bị cáo. Điều này đặt ra nhiều câu hỏi về lòng tin của nhà đầu tư và những bài học mà chúng ta có thể rút ra từ vụ việc này, nhất là khi so sánh với cách thức huy động vốn của các tỷ phú từ tay trắng ở Mỹ.
Dĩ nhiên từ góc độ tiền - tiền, ai cũng đoán nhóm nhà đầu tư kêu gọi sự khoan hồng cho Trịnh Văn Quyết và các đồng phạm vì nhiều lý do. Họ lo ngại rằng việc xử lý nghiêm khắc có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán và lòng tin của nhà đầu tư vào thị trường tài chính nói chung. Một số nhà đầu tư hy vọng rằng việc giảm nhẹ hình phạt sẽ giúp FLC và các công ty liên quan có cơ hội phục hồi hoạt động kinh doanh, từ đó có thể làm tăng giá trị cổ phiếu và giảm thiểu thiệt hại cho họ.
Nói điều này để minh định rõ, vụ án xảy ra không làm oan cho Quyết và FLC. Trịnh Văn Quyết và các đồng phạm đã sử dụng các phương thức thao túng giá cổ phiếu và phát hành cổ phiếu trái phép để huy động vốn. Những hành vi này bao gồm việc sử dụng nhiều tài khoản để làm giá cổ phiếu tăng cao bất thường, phát hành cổ phiếu mà không tuân thủ quy định pháp luật, và gian lận kế toán để khai khống và gian lận trong báo cáo tài chính. Mục tiêu của họ dường như là tăng giá cổ phiếu nhanh chóng để thu hút vốn, nhưng thiếu tầm nhìn dài hạn và bền vững.
Song cũng có thể thấy, hệ luỵ từ các biện pháp tố tụng như huỷ bỏ niêm yết, phong toả tài sản và giấy tờ có giá của Trịnh Văn Quyết và các cá nhân liên quan ở FLC có phần làm trầm trọng thêm hậu quả, mà chính các nhà đầu tư nhỏ lẻ bỏ các đồng tiền tích cóp được vào kênh duy nhất là FLC và hệ sinh thái liên quan đến Quyết cảm nhận rất rõ. Họ đã, đang và hy vọng những cam kết, lời hứa một thuở mang đến lợi nhuận cho nhà đầu tư sẽ tiếp tục sinh sôi, nảy nở, miễn là Quyết và đồng sự tiếp tục công việc.
Tỷ phú từ tay trắng
Thực sự thì niềm hy vọng/chờ đợi đó là chính đáng. Ai cũng biết, hầu như tất cả các tỷ phú đều khởi nghiệp từ tay trắng, bước vào thương trường với mô hinh kinh doanh của riêng mình, mang đậm dấu ấn cá nhân mình. Các nhà đầu tư thông qua các hình thức khác nhau, khi "xuống tiền" tức là đã bỏ phiếu cho ý tưởng kinh doanh của người khởi nghiệp đó.
Có thể thấy, nhiều tỷ phú Mỹ đã khởi nghiệp từ tay trắng và đã sử dụng các phương thức minh bạch và hợp pháp để huy động vốn thành công. Ví dụ như Jeff Bezos (Amazon) và Elon Musk (Tesla, SpaceX). Họ bắt đầu bằng cách kêu gọi vốn từ tiết kiệm cá nhân, gia đình, bạn bè, và sau đó là nhà đầu tư thiên thần và quỹ đầu tư mạo hiểm. Họ tập trung vào việc phát triển sản phẩm và dịch vụ mới mẻ, đột phá, từ đó thu hút nhà đầu tư và tăng giá trị doanh nghiệp.
Tuy nhiên khác với Trịnh Văn Quyết và những người đang đứng trước toà kia, những người khởi nghiệp ở Mỹ đã được thụ hưởng và tuân thủ một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh có tuổi đời đã hàng trăm năm với các luật lệ rõ ràng.
Vì thế, vấn đề đau đầu của các doanh nhân lại không phải là vốn, mà chính là "ý tưởng kinh doanh" - càng độc đáo, càng huy động được nhiều tiền.
Những bài học rút ra
Đương nhiên, so sánh nền kinh tế và hệ thống tư pháp Mỹ với nền kinh tế đang đề xuất Mỹ "công nhận là kinh tế thị trường" là khập khiễng, song thiết nghĩ có nhiều đúc kết sau vụ án này.
Đầu tiên là sự tuân thủ các quy định pháp luật về cáo bạch, công khai thông tin tài chính một cách rõ ràng, minh bạch. Điều này không chỉ giúp những người khởi nghiệp tránh các rắc rối pháp lý mà còn xây dựng lòng tin với nhà đầu tư dồn vốn cho ý tưởng/mô hình kinh doanh của mình. Thứ hai là cần xây dựng doanh nghiệp dựa trên tầm nhìn phát triển bền vững và lâu dài, thay vì chỉ tập trung vào mục tiêu ngắn hạn. Đặt trọng tâm vào việc tạo ra giá trị thực sự cho sản phẩm và dịch vụ mà mình muôn cung ứng ra thị trường.
Thứ ba cần xây dựng nền tảng quản trị công ty vững chắc và đáng tin cậy. Điều này không chỉ giúp duy trì hoạt động ổn định của doanh nghiệp mà còn thu hút các nhà đầu tư tiềm năng.
Cạnh đó, đối với những người "say yes" với ý tưởng/mô hình kinh doanh của người khởi nghiệp cũng có ba bài học:
Trước khi đầu tư, hãy nghiên cứu kỹ lưỡng về công ty, bao gồm các báo cáo tài chính, kế hoạch kinh doanh và đội ngũ quản lý. Đừng bị cuốn hút bởi những con số tăng trưởng ngắn hạn mà bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo về rủi ro.
Tiếp đó cần tìm hiểu kỹ về mô hình kinh doanh của công ty và đảm bảo rằng nó dựa trên các nguyên tắc minh bạch và hợp pháp. Điều này giúp đánh giá được tính bền vững và tiềm năng phát triển của công ty.
Dĩ nhiên song song với đó phải luôn cân nhắc và đánh giá rủi ro khi đầu tư. Đừng "bỏ hết trứng vào một giỏ", tức đầu tư quá mức vào một công ty duy nhất, mà hãy đa dạng hóa danh mục đầu tư để giảm thiểu rủi ro.
Vụ án Trịnh Văn Quyết và FLC dù chưa kết thúc nhưng đã mang lại nhiều bài học quý giá cho cả những người khởi nghiệp và nhà đầu tư. Hy vọng rằng từ những bài học này, các doanh nhân và nhà đầu tư sẽ có những quyết định sáng suốt và bền vững hơn trong tương lai.