Theo BCTC hợp nhất quý 3/2021, Cơ điện lạnh (REE) ghi nhận doanh thu 1.290 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ, lợi nhuận gộp tương ứng đạt 349 tỷ, giảm 18%, song biên lãi gộp vẫn được cải thiện lên mức 32%.
Theo thuyết minh, doanh thu mảng cơ điện lạnh giảm 71% xuống 223 tỷ đồng. Doanh thu EPC các dự án năng lượng mặt trời áp mái và mảng phân phối điều hoà (thương hiệu Fujitsu và Reetech) giảm gần 83% về 30 tỷ đồng.
Hoạt động cho thuê văn phòng, kinh doanh bất động sản đem lại hơn 192 tỷ đồng, giảm 19% so với cùng kỳ do công ty đã hỗ trợ giảm giá thuê và phí dịch vụ 20% cho cả quý 3.
Ngược lại, nguồn thu từ mảng năng lượng ghi nhận tăng trưởng gần 92% lên 620 tỷ, vượt cơ điện lạnh để chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tổng doanh thu.
Doanh thu tài chính tăng 64% lên mức 66 tỷ đồng, tuy nhiên chi phí tài chính cũng tăng tới 40%. Kết quả, lợi nhuận sau thuế của REE ghi nhận 270 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ.
Luỹ kế 9 tháng, doanh thu Công ty đạt 3.912 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ. Ngoài ra, hoạt động liên doanh liên kết cũng báo lãi lớn là 462 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm.
Tính đến cuối quý 3, REE đang có 20 công ty liên kết với tỷ lệ sở hữu từ 18,73% – 49,52% ở các lĩnh vực BĐS, sản xuất điện, ngành nước và cơ điện.
Nhờ các chi phí tài chính và chi phí bán hàng đồng loạt được tiết giảm, lợi nhuận sau thuế đạt 1.212 tỷ đồng, tăng 16% so với 9 tháng đầu năm ngoái, trong đó lãi ròng đạt 1.063 tỷ đồng.
Tính đến 30/9, tổng tài sản tăng 51% lên hơn 30.929 tỷ đồng, trong đó 79% là tài sản dài hạn. Tiền mặt và các khoản tiền gửi ngân hàng gấp hơn 3 lần giá trị đầu năm lên 2.075 tỷ đồng, chủ yếu nhờ gia tăng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và tiền đi vay.
Đầu tư vào công ty liên kết, liên doanh giảm từ 8.450 tỷ xuống 5.834 tỷ đồng sau khi công ty chuyển toàn bộ vốn tại Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh.
Nợ vay tài chính thơn gấp đôi lên mức 11.554 tỷ đồng, chủ yếu do tăng vay dài hạn tại các ngân hàng như HSBC Việt Nam, Vietcombank, BIDV…